Trước đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền, GS-TS Trần Đình Sử cho rằng điều này mang tính hủy hoại văn hóa dân tộc.
Những ngày qua, dư luận vẫn tiếp tục có nhiều tranh cãi quanh đề xuất cải tiến chữ tiếng Việt của PGS-TS Bùi Hiền. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, trong đó đa phần bày tỏ không ủng hộ ý tưởng sáng tạo ra một kiểu chữ mới. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nổi tiếng cũng đưa ra ý kiến không đồng tình với đề xuất này.
Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của dư luận và các nhà nghiên cứu, PGS-TS Bùi Hiền vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông cho rằng: “Về mặt mỹ học, nhìn chữ cải tiến so với chữ cũ thì dễ gây phản ứng khó chịu. Nhưng nếu thử cho học sinh chưa biết chữ, hoặc bắt đầu vào lớp 1 học. Một lớp học theo chữ mới, một lớp học theo chữ hiện hành thì chắc chắn các cháu học chữ mới sẽ nhanh hơn. Bởi người học sẽ không cần phải phân biệt “ch” với “tr”, hay “r” với “gi” và “d”…”.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây trên trang cá nhân của mình, GS-TS Trần Đình Sử đã có những dòng chia sẻ về đề xuất mới. Theo đó, ông Trần Đình Sử cho rằng đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền mang tính hủy hoại văn hóa.
Giáo sư-tiến sĩ Trần Đình Sử cho rằng đề xuất cải tiến Tiếng Việt mang tính hủy hoại văn hóa.
Trên trang cá nhân của mình, Nhà giáo Nhân Dân Trần Đình Sử viết: “Tôi đã định không phát biểu về đề nghị tào lao, có hại của ông Bùi Hiền, nhưng thấy một số người vẫn khuyến khích ông ấy và ông ấy quyết tâm làm đến cùng nên phải nói đôi lời, nhân có một phóng viên phỏng vấn.
Ông Hiền không hiểu cái chữ mà ông ấy đề xuất sẽ có hại thế nào đối với chữ viết Việt Nam. Chỉ cần nói thế này là rõ:
Nếu cái chữ của ông ấy mà được thông qua, thì toàn dân Việt Nam đang thoát nạn mù chữ lại mù chữ trở lại.
Toàn bộ sách báo hơn một trăm năm qua không thể đọc được, muốn đọc phải học lại chữ cũ, hoặc lại phải phiên dịch lại theo chữ viết mới đọc được. Thế là cắt đứt các mội liên hệ với văn hoá mà người Việt đã tích luỹ được trong hơn một thế kỉ. Người Việt ở các nước trên thế giới đều phải học lại tiếng Việt.
Chia sẻ của GS-TS Trần Đình Sử.
Toàn bộ giấy tờ công văn, luật pháp, nghị quyết… đều phải viết lại theo chữ mới. Muốn làm được việc đó lại phải tốn kém không biết bao nhiêu là tiền. Lại phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa, các văn kiện theo chữ mới, cả nước đều phải làm chứng minh thư, hộ khẩu mới, khắc dấu lại, các sứ quán Việt Nam trên thế giới phải thay đổi chữ viết. Tóm lại là làm hại công quỹ, thì giờ, công sứ ca một cách vô ích.
Mọi nghiên cứu khoa học đều phải có mục đích nhân văn, kinh tế, xã hội. Đề xuất của ông Hiền, vì trình độ hiểu biết xã hội và văn hoá, kinh tế quá thấp kém, sẽ gây tác hại rất to lớn cho đất nước. Nó là sự huỷ hoại văn hoá.
Giữa lúc nhân dân có nhiều việc phải làm, một đề xuất vớ vẩn khiến mọi người phải bày tỏ ý kiến, thế nếu đã làm hại mọi người rồi, đề nghị mọi người bỏ ngay sự quan tâm này, nếu không còn thiệt hại hơn nữa”.
Những chia sẻ trên của GS Trần Đình Sử đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của mọi người. Bài viết được hơn 2500 lượt like và hơn 1000 chia sẻ. Rất nhiều người bày tỏ sự đồng tình trước ý kiến của ông.
Rõ ràng, đề xuất cải tiến tiếng Việt đang tạo ra một làn sóng phản đối rất lớn trong dư luận. Không chỉ là vấn đề chữ viết, đây còn là vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa, truyền thống, tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Nói ra để chúng ta thấy rằng, ngôn ngữ và chữ viết của Tiếng Việt đã đi sâu vào tiềm thức của từng người dân Việt Nam, thể hiện ý chí độc lập của dân tộc. Là người dân Việt, ai ai cũng luôn tự hào về sự trong sáng và tường minh của ngôn ngữ dân tộc.
Tiết học khiến hàng triệu người xem rơi nước mắt của cô giáo 85 tuổi
Theo Infonet
Post a Comment