“Chúng ta đã xây dựng được nền kinh tế mạnh mẽ, nhưng đạo đức của dân tộc đang trên bờ vực của sự sụp đổ. Chúng ta phải khôi phục lại nó và đây là nơi chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời”, Park Seok Hong nói về Seowon (서원) – học viện Nho giáo lâu đời nhất của Hàn Quốc khi ông thấy đất nước “đang biến thành vương quốc đầy súc vật”. Người trẻ chửi người già trong tàu điện ngầm, những đứa trẻ tìm đến cái chết để khỏi bị bắt nạt ở trường học…
Cũng giống như ở Việt Nam, đối với người dân Hàn Quốc, từ “Nho giáo” từ lâu đã bị gán cho ý nghĩa “lỗi thời”, “cổ hủ”. Trong nỗ lực thực hiện chiến dịch đánh thức mối quan tâm đối với việc truyền bá Nho giáo, ông Park lúc đầu cũng không nhận được nhiều sự chú ý khi cho phục dựng Sosu Seowon, một khu phức hợp gồm 11 giảng đường Nho giáo và khu ký túc xá, được mở cửa từ năm 1543. Tuy nhiên, trong gần chục năm qua, số lượng học sinh đến đây để tham gia khóa học về Nho giáo ngày càng tăng, hơn 15.000 học sinh mỗi năm. Ngoài ra, theo ông Park Sung Jin – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Seowon quốc gia Hàn Quốc, đã có khoảng 150 Seowon ở những nơi khác cũng đã mở cửa trở lại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
Trường Nho giáo Dohan Seowon thành lập năm 1574 ở Andong, Hàn Quốc. (Ảnh: Steve46814 via Wikimedia Commons)
“Cháu tham gia khóa học ở đây để ông cháu bớt la mắng cháu”, Kang Ku Hyun, một học sinh lớp 6 ở Seoul cho biết. Em đến đây cùng 40 học sinh tiểu học khác trên một chuyến xe buýt dài 3 tiếng đồng hồ để bắt đầu một “kỳ nghỉ Seowon”. Trong ba ngày, các em sẽ được sống như những Nho sinh thời xưa. Các em cũng nhận được những lời chỉ dẫn đã lâu không còn xuất hiện trong chương trình trường học chính thống gồm nhiều thứ, từ việc ăn tối, uống trà đến việc làm thế nào để thưa chuyện với cha mẹ cho lễ phép.
Khóa học Seowon ra đời từ một xu hướng khá phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, rộ lên từ khoảng hơn một thập kỷ trước trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc đó, khó khăn về mặt kinh tế cùng với nạn thất nghiệp tràn lan khiến cho tỷ lệ người tự tử cũng tăng cao. Rất nhiều người nhận thấy rõ những giá trị lâu đời của người Hàn Quốc đã mất dần đi cùng với những khó khăn trong đời sống sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953.
Trường Nho giáo Dohan Seowon thành lập năm 1574 ở Andong, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap News)
Cả Hàn Quốc đã phải bàng hoàng khi có gần chục học sinh tìm đến cái chết vì bị bắt nạt trong trường học và hàng loạt các binh lính tự tử gây sốc cho cả quốc gia. Để xử lý vấn đề khó khăn này, các ngôi chùa Phật giáo đã bắt đầu cho phép những người muốn tập thiền và học cách lấy lại cân bằng trong cuộc sống được ngụ lại trong chùa.
Thật trớ trêu là trong nhiều thập kỷ qua, người Hàn Quốc đã đấu tranh để giải phóng bản thân khỏi những quan điểm mà họ cho là hà khắc của truyền thống Nho giáo. Họ đổ lỗi cho Nho giáo đã hình thành nên nền văn hóa phân chia thứ bậc trong xã hội cũng như các định kiến trọng nam khinh nữ tồn tại hàng thế kỷ đã dẫn đến nạn nạo phá thai nếu giới tính thai nhi là nữ.
Nỗi oan của Nho giáo
Thật ra Nho giáo đã bị mang tiếng oan hàng thập kỷ nay sau phong trào “Phá tứ cựu” hay “Cách mạng Văn hóa” của Trung Quốc. Bằng những hình thức như đoạn chương chủ nghĩa (lấy ra một câu trích dẫn trong sách nhưng loại bỏ ngữ cảnh mà nó đang biểu đạt để bóp méo ý nghĩa của câu trích), hay lấy lời của người nọ để gán cho người kia để quy chụp cho bậc tiền nhân. Ví dụ như, lý luận về “tam cương” hay ba giềng mối chính trong xã hội không phải là của Nho giáo. Người đề xuất “Tam cương” là Hàn Phi Tử của Pháp gia, vốn đề cao Pháp trị và tin rằng bản tính con người là ác, hoàn toàn khác với Nho giáo vốn đề cao Đức trị của Khổng Tử. Những người phản đối Nho giáo thường nhận định rằng “tam cương” chủ trương người làm Vua, làm cha và làm chồng có quyền hành tuyệt đối với bầy tôi, con hay vợ. Với những người không nghiên cứu Nho giáo thì quả thật điều này khiến họ cảm thấy Nho giáo thật “hủ lậu” và “giáo điều”.
Nhưng trên thực tế, điều Khổng Tử nói lại hoàn toàn không phải như vậy. Vua Ai công nước Lỗ đã từng hỏi Khổng Tử rằng: “Con theo mệnh cha có phải là hiếu không? Tôi theo mệnh vua có phải là trung không?”. Hỏi ba lần mà Khổng Tử không trả lời. Khổng Tử đem chuyện ấy nói với Tử Cống và hỏi ý Tử Cống thế nào. Tử Cống thưa: “Con theo mệnh cha là hiếu, tôi theo mệnh vua là trung, còn ngờ gì nữa?”
Khổng Tử nói: “Ngươi không biết gì. Đời xưa đấng minh quân làm vua nước vạn thặng có tránh thần bảy người thì vua không làm điều lỗi; làm vua nước thiên thặng có tránh thần năm người, thì xã tắc không nguy; làm chủ một nhà, có tránh thần ba người thì lộc vị không suy. Cha có tránh tử, thì không hãm vào điều vô lễ; kẻ sĩ có tránh hữu, thì không làm điều bất nghĩa. Cho nên con theo mệnh cha há đã là hiếu, tôi theo mệnh vua há đã là trung. Chỉ có biết xét cái đáng theo mà theo, mới gọi là hiếu, là trung vậy” (Khổng Tử gia ngữ: Tam thứ, IX).
Nghĩa là “Hiếu có hợp lễ mới thật là hiếu” – Trần Trọng Kim.
Khổng Tử và Tử Cống. (Ảnh: Tinhhoa)
Ngay cả cái lý trọng nam khinh nữ cũng là một sự bẻ sai lời tiền nhân giảng. Mạnh Tử từng nói: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân”. Chính là cha con có tình thân, vua tôi có cái nghĩa, vợ chồng có sự khác biệt, huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới, bạn bè thành thật tin tưởng. Đây đều là những đạo lý rất hợp tình, hợp lý và còn đúng cho tới ngày nay. Riêng có câu “Phu thê hữu biệt” lại bị hiểu là người chồng có quyền hành tuyệt đối với vợ.
Thật câu này có nghĩa là nam giới có đặc tính khí chất của người nam, nữ giới có đặc tính khí chất của người nữ, điều này quyết định sự phân công các nhiệm vụ vai trò khác nhau của nam nữ trong gia đình. Nam nữ tuân thủ nghiêm ngặt vị trí của mình, gia đình tự nhiên sẽ êm ấm thịnh vượng. Trong gia đình, nam nhân chính trực cao thượng, nữ nhân nhã nhặn khiêm hòa, khoan dung; thì gia đình không có một lý do nào của sự bất hòa. Ở trong xã hội và gia đình như vậy, người phụ nữ cũng tự nhiên có được địa vị tương ứng và sẽ không có sự kỳ thị.
Còn rất nhiều những hiểu lầm khác khiến người thời nay đã có lúc quay lưng lại với Nho giáo. Thế nhưng khi đạo đức con người dần mất phương hướng và trượt dốc, người ta lại bắt đầu quay trở lại với chân lý. Bởi chân lý là những điều đã được kiểm nghiệm qua thời gian, bất chấp sự cố ý bẻ cong, đổ oan của thế lực nào, vẫn luôn khẳng định được tính đúng đắn của mình.
Phục hưng khi xã hội cần
Những người đề cao tầm quan trọng của các học viện Seowon lập luận rằng Hàn Quốc đương đại có thể học được nhiều điều từ xã hội cũ. Họ đã nhận ra và thực tế đã chứng minh, càng ngày càng có nhiều người Hàn Quốc tìm đến những trường Seowon. Các chương trình truyền hình thực tế ở Hàn Quốc cũng thường xuyên đến các ngôi trường này và thông qua đó, những nét đẹp của Nho giáo đã được xã hội đánh giá cao.
Anh em sinh ba nổi tiếng Hàn Quốc Daehan – Minguk – Manse trong trương chình thực tế “Siêu nhân trở lại” đã có những trải nghiệm thú vị tại trường học Nho giáo. (Ảnh: Youtube)
Và không chỉ có ở Hàn Quốc, trường Nho giáo cũng đã bắt đầu rộ lên ở Trung Quốc, cái nôi của Nho giáo và cũng là nơi ruồng rẫy Nho giáo một thời. Khác với học viện Khổng Tử mang đầy màu sắc chính trị được mở ở nước ngoài, các ngôi trường Nho giáo dạy cho trẻ nhỏ ở Trung Quốc phần lớn là do tư nhân mở. Các bé đến học chủ yếu là từ 2 đến 6 tuổi, nên nhiều triết lý trong Nho giáo các em vẫn chưa thể hiểu. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tin rằng những đạo lý Nho giáo đã dẫn dắt Trung Quốc hơn 2.000 năm qua sẽ thấm nhuần vào con trẻ nếu cho chúng tiếp xúc từ nhỏ.
Trẻ em Trung Quốc học giáo lý Khổng Tử trong trường học Nho giáo. (Ảnh: Chinadaily)
Michael Schuman, hiện sống ở Bắc Kinh, tác giả một cuốn sách về Khổng Tử, nói rằng người Trung Quốc “đang tìm kiếm một thứ gì đó thêm nữa trong cuộc sống của họ”. Michael nói:
Tôi nghĩ rằng xã hội Trung Quốc đã trở nên rất giàu có, nhưng cùng lúc lại mất đi một cái gì đó thuộc về tinh thần. Và họ cảm thấy nhiều vấn đề mà Trung Quốc đang đối mặt chính là hậu quả của việc thiếu những chỉ dẫn đạo đức.
Tính đến năm 2016, cả Trung Quốc có khoảng 300 tổ chức mở trường dạy Nho giáo. Một trong những địa chỉ được nhiều người biết đến nhất là Đồng Học Quán, với hơn 120 trường và hơn 40.000 học sinh.
“Trong giai đoạn từ 2 đến 6 tuổi, trẻ có khả năng ghi nhớ cực tốt. Chúng tôi sẽ giúp nuôi dưỡng những hạt mầm của lòng hiếu thảo, tôn sư trọng đạo và sự vị tha”, giám đốc họ Thạch tại một trường Nho giáo ở Vũ Hán cho biết. Việc đọc lại các lời dạy và tham dự các lớp học đạo đức có thể không khơi gợi tính sáng tạo ở trẻ. Nhưng nhà sáng lập của Đồng Học Quán cho rằng điều quan trọng hơn với trẻ là “hiểu rằng cái gì làm nên một con người, làm nên tính ngay thẳng đạo đức, sự tương tác xã hội”.
Việt Nam cũng đã có một thời lấy Nho giáo làm giường cột
“Nước Việt Nam ta xưa kia tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm cốt” – Trần Trọng Kim
“Ở nước ta xưa, Nho là chính. Người ta cũng thích Lão vì thanh cao, thờ Phật vì bác ái” – Hoàng Đạo Thúy.
Nho giáo nguyên thủy vốn là một bộ các giá trị đạo đức có hệ thống giúp bảo vệ trật tự xã hội xưa. Những người với tâm cầu thị đã từng đọc Tứ thư Ngũ kinh hẳn sẽ nhận ra được rằng Nho giáo cổ xưa nhất vốn không phải là lạc hậu, phong kiến, không phải là thủ cựu, cũng không phải để bảo vệ giai cấp nào hết. Nho giáo có thể giúp chúng ta phục hưng lại văn hóa truyền thống với những giá trị đạo đức sâu sắc và còn đúng cho tới ngày nay, để con người biết đạo làm người, xã hội trật tự, an hòa.
Dân tộc Việt vốn là một dân tộc ôn hòa và yêu chuộng hòa bình, luôn khao khát một cuộc sống nơi con người có thể tin tưởng lẫn nhau, lương thiện, hòa ái và bao dung. Thời xưa đi học còn được dạy những điều nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa như: “Tay cầm bát cơm thì nhớ đến cái khó nhọc của người làm ruộng, mặc tấm áo là không quên công vất vả của bà thợ dệt”, hay “Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người khác”. Trẻ ít được đi học, cũng ngâm nga quyển Gia Huấn của Nguyễn Trãi: “Thương người như thể thương thân”. Đấy đều là những gì Nho giáo mang lại cho đạo đức người Việt một thời.
Trong một xã hội ngày một nhiều những điều bất cập và bất ổn, chúng ta đang mơ ước về một xã hội thịnh vượng tràn đầy Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nhưng đồng thời chúng ta lại đang lãng quên Nho giáo, cội nguồn của Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận lại một cách đúng đắn và tích hơn, đồng thời sử dụng những tinh hoa của Nho giáo để tạo nên những giá trị văn hóa tốt đẹp cho dân tộc, như Nhật Bản đã làm được bằng cái nhìn rộng mở và cầu thị.
Thu Hiền / ĐKN
Post a Comment