Cần sửa đổi chính sách để tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Đó là một trong nhiều kiến nghị được nêu tại hội thảo Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội.
Báo cáo về chủ đề này của nhóm nghiên cứu do TS Nguyễn Hữu Thọ, Phó trưởng Ban Chính sách phát triển nông thôn CIEM trình bày tại hội thảo nêu lên một đặc điểm quan trọng trong sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam là tính chất phân tán, nhỏ lẻ.
Cả nước có khoảng 78 triệu thửa ruộng lớn nhỏ khác nhau, bình quân mỗi hộ có khoảng 2,5 thửa. Chỉ có khoảng 10% số hộ có thửa liền bờ nhau. Tiềm năng cung của thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp có biến động lớn: số hộ sử dụng đất nông lâm thuỷ sản sau 5 năm đã giảm khoảng 1 triệu hộ, nhu cầu đất ở của hộ nông lâm thuỷ sản cũng giảm. Tính đến tháng 8/2013 cả nước có gần 43.000 hộ bỏ ruộng, nhiều hộ đã bỏ hoang ruộng 4-5 năm nay. Các nông lâm trường cũng đã trả lại cho địa phương khoảng 452.000 ha.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, song hành với quá trình rút lui khỏi nông nghiệp là quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành những hộ đại điền và các trang trại. Năm 2016, cả nước có 35,5 nghìn trang trại, tăng tới 67,2% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 10%. Cũng thời điểm này, cả nước có gần 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 49% so với năm 2011. Trong đó số doanh nghiệp lớn (từ 10 tỷ đồng trở lên) tăng tới 76,2%.
Trong bối cảnh đó, chính sách đất đai hiện hành đã bộc lộ rõ một số bất cập."Quy hoạch đang quá chi tiết đến từng nhóm đất nhỏ, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất khá phức tạp, có địa phương còn hạn chế loại cây trồng trên đất. Việc tiếp tục áp dụng hình thức giao đất không thu tiền là chưa phù hợp với nguyên tắc của thị trường, chưa tạo được sự bình đẳng và phần nào làm cho hiệu quả sử dụng đất không cao", chuyên gia của CIEM bình luận.
Vị Phó trưởng ban Chính sách cũng nhấn mạnh quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như hiện nay (đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất sau biến động về chuyển nhượng và chủ sử dụng, chỉ khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện các quyền về đất) tuy cơ bản là tốt, nhưng do có những khó khăn từ nhiều phía nên tỷ lệ mảnh ruộng chưa được cấp giấy chứng nhận vẫn khá cao (23,6%).
Liên quan đến quyền tiếp cận đất, nhóm nghiên cứu dẫn quy định điều 191 của Luật Đất đai: tổ chức kinh tế không được nhận quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân. Rồi, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Luật cũng quy định thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đìnhm cá nhân, các tổ chức là không quá 50 năm và hạn mức giao đất được khống chế đối với cây hàng năm là không quá 3ha (vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), chỉ 2ha đối với các khu vực khác. Hạn mức nhận chuyển nhượng đất cây hàng năm không quá 10 lần hạn mức giao đất.
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, cản trở lớn nhất đối với người mua, thuê thêm đất là thời gian sử dụng đất ngắn (95%); quy hoạch đang hạn chế cây trồng (32%); thủ tục cấp giấy chứng nhận rườm rà, tốn phí (29%) và hạn điền thấp (24%).
Sau khi chỉ ra các bất cập, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khá nhiều kiến nghị để tăng tính linh hoạt, tạo điều kiện phát triển thị trường.
Theo đó, nên định hướng quy hoạch theo hai nhóm. Quy hoạch cứng là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi quyền sử dụng. Quy hoạch mềm là việc Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường.
Về hình thức giao, cho thuê đất, nhóm nghiên cứu cho rằng nên tiếp tục thực hiện thu thuế nông nghiệp sau năm 2020. Cần đánh giá, xây dựng lộ trình từng bước chuyển từ giao đất không thu tiền sang cho thuê đất, đồng thời xây dựng chính sách an sinh cho những đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Về cấp giấy chứng nhận đất, nhóm nghiên cứu đề nghị cần có biện pháp tuyên truyền, xử phạt những hộ có biến động trong sử dụng đất mà không đăng ký lại. Ngoài ra cũng cần có chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm giao dịch quyền sử dụng đất cấp huyện để làm đầu mối cho người mua và người bán quyền sử dụng đất gặp nhau.
Với thời hạn sử dụng đất, kiến nghị của nhóm là không nên quy định thời hạn, từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài, đồng nhất với các loại hình đất khác.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng phải nới rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất. Hoặc thay hạn mức "cứng" (không quá 10 lần) như hiện nay bằng hạn mức mềm, theo đó sử dụng chính sách thuế luỹ tiến theo mức sử dụng đất.
Chính sách đất đai còn có những bất cập làm hạn chế sự phát triển thị trường, cần sớm điều chỉnh cũng là nhận xét chung của các ý kiến tại hội thảo.
Chính sách đất đai quan trọng nhất và gây nhiều chuyện nhất, TS Chu Tiến Quang - Hội đồng chính sách (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) nhận định. Vị này cũng cho rằng cần phân tích thêm quy hoạch sử dụng đất có liên quan gì đến thị trường. Khi thay đổi quy hoạch hãy chú ý đến mục đích của người sử dụng, ông Quang khuyến cáo.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh đề nghị cần đưa tất cả thông tin về đất đai lên mạng để người dân bình thường cũng có thể biết được một cách công khai, minh bạch.
Post a Comment