Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam năm 2017 diễn ra ngày 20/12. 

Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công của chính sách hội nhập mà Việt Nam đang kiên định thời gian qua. Nhiều hiện định FTA thế hệ mới đã được ký kết, thị trường mới được mở ra, vị thế và vai trò của nền kinh tế đang được tăng cường và quan trọng trong toàn cầu hoá, khu vực hoá.  

Trong đó, thấy rất rõ là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2017 đạt con số kỷ lục 400 tỷ USD. Thu hút FDI đạt thành công lớn, với khoảng 24.000 dự án, tổng vốn trên 320 tỷ USD, ứng xử của các doanh nghiệp FDI đã tốt hơn. 

Chúng ta đã có nhiều sản phẩm tốt, chất lượng, ứng xử với người lao động cũng tốt hơn; có những con chip sản xuất rất hiện đại đã ra đời ở Việt Nam. "Nếu không có FDI nền kinh tế Việt Nam chưa có trình độ, công nghiệp phát triển như vậy", Thủ tướng khẳng định.

Ngành du lịch năm nay có thể đạt 13-14 triệu khách quốc tế, đóng vai trò tốt trong phát triển đất nước...

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra các vấn đề của Việt Nam khi hội nhập. Gần như chúng ta không tư duy, nhận thức tái cơ cấu doanh nghiệp, sản phẩm, ngành sản xuất là thất bại. Cạnh tranh chưa bắt kịp hội nhập ở cả khía cạnh quốc gia và sản phẩm...

Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị không lãng phí trí tuệ của các chuyên gia và yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập kinh tế phải tập hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu để cho các ngành các địa phương nghiên cứu. "Vì nói qua chưa thấm, chưa thành hành động, các đồng chí bận rộn nhiều công việc dễ lãng quên. Ký WTO, ông Trương Đình Tuyển đến từng địa phương để nói chuyện", Thủ tướng nhắc nhở.

Thủ tướng nói: Gần đây, Việt Nam có nhiều tiến bộ về xếp hạng môi trường kinh doanh nhưng chưa thuộc yêu cầu nhóm ASEAN 4. Mong muốn của chúng ta là phải ở nhóm đầu của ASEAN, hướng tới theo tiêu chuẩn của OECD. Tuy nhiên, sự trì trệ, níu kéo của thể chế kinh tế cũ chưa giúp chúng ta phát triển. Các lãnh đạo địa phương, các ngành cần nhận thức và hành động tốt hơn về hội nhập. Chính nhận thức chưa đúng nên chưa hành động quyết liệt.

Thủ tướng nêu ra 5 định hướng về hội nhập, trong đó nhấn mạnh đặc biệt đến: Hội nhập là "dùng bên ngoài để cải cách bên trong nền kinh tế".

Chính phủ coi hội nhập kinh tế quốc tế để cải cách thể chế kinh tế. Việc tập trung tổ chức lại bên trong của nền kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Từ việc xây dựng thương hiệu, tái cơ cấu mạnh mẽ, đổi mới mô hình tăng trưởng... tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.

 "Trì trệ mãi khó phát triển đất nước, khiến bộ máy chạy không đều, kẻ đẩy - người kéo. Những rào cản thủ tục, chi phí không cần thiết của người dân và doanh nghiệp cần phải xóa bỏ ngay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

"Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển", Thủ tướng nói. "Vì sao thương vụ bán cổ phần Sabeco thành công lớn như thế? Nhà đầu tư họ thấy niềm tin thị trường, niềm tin xã hội vào Chính phủ, vào kinh tế vĩ mô của Việt Nam".

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện. Phải có kỷ luật nghiêm về vấn đề này. Một số địa phương chưa quan tâm và chỉ đạo điều này còn kém thì phải khắc phục. 

"Tiến trình hội nhập nói chung cần phải có quyết tâm chính trị cao, với sự sáng tạo nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có hoặc làm nửa vời thì sẽ thất bại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top