Đối với anh tôi bây giờ, một bữa cơm trong ngày, một bao thuốc lá và chiếc laptop là đủ.
Anh tôi gần 40 tuổi, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình ba mẹ bất hòa, anh luôn phải cáng đáng nhiều việc vì "cơm áo gạo tiền", lại gặp nhiều thất bại trong sự nghiệp lẫn tình duyên. Từ một thanh niên khỏe mạnh, bình thường, là trụ cột chính trong gia đình, hơn 3 năm trở lại đây anh trở nên lầm lì, ít nói, không chịu ra ngoài làm việc, chỉ quanh quẩn trong nhà, không giao tiếp với ai. Đặc biệt anh luôn thấy chán nản, không còn động lực và mục tiêu trong cuộc sống. Tôi phát hiện anh nghiện đọc truyện trên mạng, gần như dành tất cả thời gian trong ngày cho việc này.
Ban đầu nhà tôi cứ nghĩ việc anh ở nhà, không đi làm là do thất chí và cũng vì trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, những biểu hiện chán nản, bi quan, hay nóng giận với người thân, ngại tiếp xúc với bên ngoài và gần như đắm chìm trong những truyện dài tập trên internet của anh đã kéo dài suốt hơn 3 năm qua. Sau khi tìm hiểu, tôi biết anh bị trầm cảm nặng. Gia đình tôi quan tâm và trò chuyện với anh nhiều hơn, tạo cơ hội, hết lời khuyên nhủ anh hãy ra ngoài đi làm, tiếp xúc bạn bè... Có điều anh ngại khó, ngại cực và quan trọng anh không tìm thấy động lực để kiếm tiền.
Anh tôi giờ sống ở quê với ba mẹ. Ba mẹ rất lo lắng cho anh, có điều ở đây ít thông tin về căn bệnh này, thêm nữa ba mẹ tôi ít tâm lý,vì thế dù đau buồn và bất lực với anh, họ cũng không dám la mắng, chỉ cố chịu đựng. Tôi lo tình trạng này mà kéo dài thêm sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Có điều tôi không biết phải nói như thế nào để anh hiểu được bệnh tình của mình và chấp nhận điều trị.
Mong chuyên gia, quý độc giả, những người có người thân gặp phải tình trạng này tư vấn giúp để anh tôi sớm lấy lại được tinh thần và niềm vui trong cuộc sống. Xin cám ơn!
Linh
Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Bạn thân mến!
Đọc câu chuyện bạn chia sẻ, tôi cảm nhận được nỗi lo lắng của bạn về tình hình của anh trai mình và bạn đang rất mong muốn tìm cách để giúp đỡ anh. Bạn muốn anh mình hiểu được tình trạng của bản thân và chấp nhận việc trị liệu. Tuy nhiên, dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp, việc xác định anh bạn có mắc chứng trầm cảm hay không nên được những người có chuyên môn chẩn đoán trực tiếp, từ đó có cách can thiệp chính xác. Hiện tại, theo bạn chia sẻ, anh bạn không hề có nhu cầu muốn ra ngoài tiếp xúc với người lạ, hứng thú xã hội ở mức thấp, không có động lực trong cuộc sống. Theo ý kiến của các chuyên gia về trị liệu tâm lý, động cơ của thân chủ khi đến với nhà trị liệu góp phần rất quan trọng đến hiệu quả cuối cùng. Vì vậy cho dù bạn hay gia đình có ép anh đến tìm sự giúp đỡ của bác sĩ hay nhà tâm lý cũng chưa chắc đã đem lại hiệu quả tích cực.
Tôi khuyến khích bạn làm để tác động tích cực đến anh mình, chính là có thể để anh cảm thấy thoải mái chia sẻ với người em ruột. Việc bạn ở gần anh có thể là một lợi thế, nhưng nếu bạn đang ở xa cũng hoàn toàn làm được qua những phương tiện liên lạc hiện nay. Đừng nóng vội đề cập với anh về những gì bạn nghĩ. Hãy cứ trò chuyện bình thường, hỏi thăm về cuộc sống hàng ngày của anh. Nếu biết anh trai rất thích đọc truyện, bạn có thể nói với anh về những câu truyện anh đang đọc, tương tác với anh nhiều hơn. Mục đích của tất cả những hành động này trước hết là giúp anh dần có thói quen chia sẻ những sở thích, suy nghĩ của bản thân một cách thoải mái; thứ hai sẽ rút ngắn thời gian anh bạn ở một mình cùng laptop, tăng thời gian tương tác trong một ngày.
Giai đoạn này có thể sẽ mất nhiều thời gian, cũng không dễ dàng cho bạn. Điều cần nhất là người thân xung quanh anh bạn không nên vội vã khuyên, giục, hay ép anh ngay lập tức phải giao tiếp với nhiều người, tìm việc, bắt uống thuốc hay đi gặp bác sĩ. Việc này sẽ khiến anh bạn càng trở nên tự ti và thu mình lại vì cho rằng mọi người xung quanh đang nghĩ anh có vấn đề, trong khi anh bạn lại hoàn toàn cảm thấy rất bình thường với cuộc sống hiện tại.
Tôi mong bạn và gia đình hãy đồng hành cùng anh vượt qua giai đoạn khó khăn. Đến khi anh có thể thoải mái hơn với bạn, bạn hãy đề cập một cách khéo léo chuyện hai anh em sẽ đi nói chuyện với nhà trị liệu và luôn nhấn mạnh về việc anh em sẽ đồng hành cùng nhau. Tôi hy vọng bạn sẽ dành sự kiên nhẫn của mình cho anh trai và cùng anh bước từng bước thật chậm mà hiệu quả. Tôi tin bạn luôn có đủ sự quan tâm và yêu thương dành cho anh mình. Chúc bạn và anh trai sẽ luôn bình yên.
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment