Uỷ ban Pháp luật thẩm tra nhiều nội dung khác, không phải chỉ riêng số liệu, còn về tính trung thực thì cơ quan nào báo cáo thì cơ quan đó chịu trách nhiệm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 18/10.

Tại đây, báo chí đã đặt vấn đề về mức độ tin cậy của các báo cáo gửi Quốc hội khi mà mới đây, như VnEconomy đã thông tin, báo cáo số 296 của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng ký đã sử dụng số liệu về môi trường từ của 2005.

Và khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận thông tin về môi trường Hà Nội trong báo cáo nêu trên được lấy từ bài viết của một tờ báo mạng, đăng tải năm 2018.

"Anh em tham mưu sơ suất, không để ý thông tin tờ báo đó đã dẫn lại thông tin từ năm 2005. Bài báo đó cũng không chú thích về việc dẫn nguồn thông tin lấy từ năm 2005 nên anh em sơ suất lại tưởng số liệu mới", vị Thứ trưởng giải thích.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang trả lời, theo quy định, tài liệu gửi tới Quốc hội sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trước đó Uỷ  ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ. Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp 36 thì Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chỉnh lý.

Hiện nay, báo cáo của Chính phủ Bộ trưởng Bộ Tư pháp chưa chính thức gửi tới Quốc hội mà là báo cáo từ tháng 7 trình tại kỳ họp 36, ông Giang khẳng định.

Còn về cơ chế để đảm bảo tính trung thực của các số liệu, ông Giang  nêu quan điểm: Cơ quan nào báo cáo thì chịu trách nhiệm số liệu và thông tin của báo cáo. Thông qua báo cáo đó Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri, báo chí có thể phát hiện ra sự không trung thực. Đây cũng là kênh giám sát rất quan trọng.

Chưa đồng tình với câu trả lời này, phóng viên cho biết báo cáo 296 của Chính phủ đã được chính thức gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Uỷ ban Pháp luật cũng đã có báo cáo thẩm tra chính thức (chứ không phải sơ bộ) về việc thi hành Luật Thủ đô gửi đến các vị đại biểu.

Báo cáo thẩm tra này nêu rõ: "Ủy ban Pháp luật trân trọng báo cáo Quốc hội ý kiến thẩm tra Báo cáo số 296/BC-CP ngày 19/7/2019 của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô". Như vậy thì đây đã là báo cáo chính thức, nhưng lại được dẫn số liệu chưa kiểm chứng. Vậy các báo cáo khác gửi đến Quốc hội thì mức độ tin cậy đến đâu để đại biểu có đủ cơ sở quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước?

Tiếp tục trả lời, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nói cơ quan này thẩm tra nhiều nội dung khác, không phải chỉ mỗi số liệu. Ông Giang cho rằng Quốc hội thì phải tin tưởng số liệu từ báo cáo các cơ quan gửi đến, nhưng khi đã báo cáo công khai rồi thì cử tri hoàn toàn có quyền giám sát.

Khi nào người dân có thể trực tiếp bãi nhiệm đại biểu

Vấn đề khác được báo chí quan tâm đặt vấn đề là thời gian vừa qua, một số đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, cách chức vụ trong chính quyền, đều được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ.

Song, dư luận, cử tri đặt vấn đề, đây không phải là hình thức bất tín nhiệm. Do đó, có ý kiến cho rằng, quyết định "cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội", nhất là vì lý do sức khoẻ như vậy không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền.

Đề nghị Tổng thư ký cho biết quan điểm, báo chí cũng đặt vấn đề khi nào người dân có thể thực hiện quyền trực tiếp bãi nhiệm tư cách người đại biểu mình bầu ra khi người đó không còn xứng đáng, theo đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội?

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, trong nhiệm kỳ này có một số đại biểu Quốc hội được cho thôi nhiệm vụ. Lý do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho thôi với những trường hợp này là vì luật quy định, đại biểu Quốc hội khi có đơn xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác thì Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét, cho thôi.

Gần đây nhất, trường hợp ông Hồ Văn Năm (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), ông Phúc nhận định, ông Hồ Văn Năm bị kỷ luật về mặt Đảng do vi phạm quy định trong thời gian ông làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

"Trong quá trình này, ông Năm chắc cũng suy nghĩ nhiều, sức khoẻ suy yếu, nên ông làm đơn và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý cho nghỉ thôi", Tổng thư ký Quốc hội lý giải.

Còn về việc cử tri bãi nhiệm trực tiếp đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói, Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đều đã quy định nhưng chưa có hướng dẫn về quy trình. Vừa qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu và các cơ quan liên quan nghiên cứu để ban hành quy trình này.

Tiếp tục theo đuổi vấn đề, ngoài ông Hồ Văn Năm, báo chí nêu trường hợp ông Võ Kim Cự (cựu đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh), bà Phan Thị Mỹ Thanh (cựu đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai, người tiền nhiệm của ông Hồ Văn Năm). Nhiều đại biểu cứ "dính" kỷ luật lại được cho nghỉ vì lý do sức khoẻ khiến cử tri không thấy thoả đáng. Quốc hội có cơ chế nào để việc xử lý đối với các đại biểu Quốc hội bị kỷ luật một cách nghiêm minh và thuyết phục được cử tri hơn?

Tiếp tục trao đổi, Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, cả 3 đại biểu Quốc hội nêu trên đều bị kỷ luật về mặt Đảng, còn kỷ luật về hành chính, nhà nước thì chưa có. Trong suốt quá trình bị kỷ luật, các cá nhân này cũng đã tự suy nghĩ, nhận thức rất nhiều nên tự viết đơn xin thôi.

"Có đơn thì đương nhiên là Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thôi thôi. Đó là việc thực hiện bình thường theo quy định của luật",  ông Phúc giải thích. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top