Tại Diễn đàn Kinh tế Tp.HCM năm 2019 với chủ đề "Phát triển Tp.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp.HCM Nguyễn Thành Phong, kỳ vọng, Thành phố sẽ được Chính phủ xem xét, đưa đề án Phát triển Tp.HCM trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia. Bởi việc trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là chìa khoá để đưa kinh tế Thành phố bứt phá.
Có được sự đồng thuận lớn
Việc phát triển Tp.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cũng nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Tp.HCM không chỉ là mong muốn của thành phố mà còn là nhiệm vụ của cả nước. Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, luôn nằm trong những nước tăng trưởng tốt nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong các thập niên vừa qua lần lượt đạt 6-8%; và trong 10 năm tới, Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 7%.
Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tp.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở Tp.HCM. Và Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ Tp.HCM sớm thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế,
"Thời điểm Tp.HCM trình Chính phủ đề án xây dựng vào năm sau trùng với dịp phê duyệt nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố. Do đó, cơ hội và thuận lợi là điều có thể nhìn nhận rõ ràng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đánh giá cao sự quyết tâm của Tp.HCM khi xây dựng Đề án phát triển Tp.HCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực. Ông cũng khẳng định đây không chỉ là mong muốn của Chính phủ, của nhiều bộ ngành, mà còn là của tất cả người dân khi Việt Nam có một trung tâm tài chính của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực.
"Nếu có những bước đi cụ thể, vững chắc thì việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Tp.HCM là hoàn toàn có thể đạt được", ông Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng đề xuất Tp.HCM nghiên cứu thêm phương án mở rộng khu vực trung tâm tài chính, bởi Thủ Thiêm dù có nhiều tiềm năng nhưng chỉ có phạm vi 70 ha. Cần xem xét và phát triển đến các khu vực khác như Cần Giờ, một phần Bình Chánh (Quận 7), Nhà Bè vì các khu vực có diện tích đủ lớn (từ 10.000 ha trở lên) và không gây tác động xấu lên hệ sinh thái, sẽ tạo sức bật tốt hơn cho trung tâm tài chính.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định sẽ hỗ trợ Tp.HCM trong đề án lần này. Trong đó, Bộ Ngoại giao hỗ trợ cung cấp thông tin tham khảo từ các trung tâm tài chính khác trên thế giới, kết nối chuyên gia quốc tế tư vấn, hiến kế, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp và đồng hành triển khai các hoạt động đối ngoại, giúp Tp.HCM mở rộng quan hệ với các địa phương.
Đồng tình, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định Ngân hàng Nhà nước cam kết nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế, góp phần hỗ trợ Tp.HCM nâng tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, ông cho rằng việc phát triển trung tâm tài chính của Tp.HCM cần đồng bộ với chiến lược phát triển chung của ngành ngân hàng cả nước.
Cần tìm thị trường ngách để triển khai
Với nhiều lợi thế và được sự ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành, Tp.HCM đang đứng trước cơ hội "có một không hai" để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ băn khoăn: "Các ý tưởng xây dựng Tp.HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn đang dang dở, thậm chí vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước (ví dụ tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn Thành phố so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu thập niên 2.000 xuống khoảng 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội 34%)".
Theo ông Trần Du Lịch, Tp.HCM cần lý giải các vấn đề: Thị trường tài chính trên địa bàn thành phố đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam? So với các trung tâm tài chính trong khu vực như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur; Manila… Tp.HCM đang ở đâu?
Cùng quan điểm này, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Trường Đại học Fulbright, chỉ ra thực tế tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như Thành phố ngày càng giảm. Thành phố đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính…) đều ở tầm quốc gia, nhưng nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính. Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa.
Để việc định hướng phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ kinh doanh cho trung tâm tài chính của thành phố phục vụ vùng Nam bộ và quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới, ông Tự Anh khuyến nghị thành phố cần một cách tiếp cận khác, theo cách "nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống".
"Có thể tính đến tìm kiếm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến, cũng như cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương đồng lòng thực hiện", ông Tự Anh gợi ý.
Được biết, sau phiên khai mạc là 4 phiên thảo luận song song với các chủ đề: "Tp.HCM hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện", "Bài học kinh nghiệm trong xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế". "Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế" và "Định hướng chính sách quốc gia và vai trò Chính quyền Thành phố". Tại đây, các chyên gia trong và ngoài nước sẽ cùng nhau phân tích, đánh giá nhựng khó khăn - thuận lợi và chia sẻ kinh nghiệm để giúp Tp,HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
Post a Comment