Việc xử lý yếu kém 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương, chủ yếu là vướng ở hợp đồng EPC, có nên kéo Chính phủ vào việc này không khi đây là quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp?.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề trên tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu qủa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, sáng 16/10.
Liên quan đến 12 dự án yếu kém của ngành công thương, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, việc xử lý các tồn tại, yếu kém đã đạt được một số tín hiệu tốt. Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, 4 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ.
Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; đang tiếp tục triển khai công tác xử lý đối với 3 dự án xây dựng dở dang. Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án, Bộ Tài chính khẳng định.
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thì cần phải nói rõ các vướng mắc, chủ yếu trong việc xử lý các dự án này là vướng ở hợp đồng EPC.
Phải chăng các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về hợp đồng? Có nên kéo Chính phủ vào việc này (xử lý hợp đồng-PV) không khi đây là quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp?", Phó thủ tướng nêu vấn đề.
Cũng đề cập việc xử lý 12 dự án thua lỗ kém hiệu quả, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng sự thua lỗ, tồn tại yếu kém, mất vốn nhà nước đã rõ. Lúc này, cần phải tiếp cận theo hướng là đã mất vốn thì giờ phải làm sao thu hồi vốn được nhanh nhất.
Hiện tại, nhiều dự án đã đầu tư cả nghìn tỷ rồi, mà thua lỗ thì không bao giờ thu lại tất cả vốn bỏ ra được. Phải chấp nhận điều đó, vì đã làm doanh nghiệp, làm kinh tế thị trường thì phải xử lý bằng vấn đề kinh tế chứ không thể áp đặt hành chính, ông Hoàng Anh nêu quan điểm.
Ngay cả những dự án hiện đã hoạt động rất hiệu quả như dự án Đạm Ninh Bình, Hà Bắc nhưng theo ông Hoàng Anh, vẫn không thể gánh được chi phí tổn thất từ trước do làm sai. Và như thế thì có nên làm tiếp không?
"Dự án thua lỗ rồi, nhà nước mất nhiều năm xử lý và mất 50% vốn rồi, 50% vốn còn lại thì không chỉ 5 năm nữa đâu, mà chỉ 1-2 năm nữa là sẽ hết sạch nếu không xử lý nhanh. Quan điểm của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước là năm 2020 phải xử lý dứt khoát xong, nếu không thì phải tính toán thoái vốn, bán sạch", ông Hoàng Anh thể hiện quan điểm.
Sẽ xem xét xử lý trách nhiệm
Về cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước nói chung, Phó thủ tướng cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, cả nước đã cổ phần hóa được 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn Nhà nước được xác định lại là 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá của cả giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255 tỷ đồng, gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hoá và thoái vốn giai đoạn 5 năm trước đây.
Song, theo đánh giá của Phó thủ tướng thì đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty chậm đổi mới, ngại đổi mới theo phê duyệt của Thủ tướng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn nhiều vướng mắc cả về thể chế và tình hình thực hiện.
Theo Phó thủ tướng, một số bộ, ngành và địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong cổ phần hoá... trong đó đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM. Cần phải xem xét nguyên nhân tại sao cổ phần hoá chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu 2 thành phố này, Phó thủ tướng nói.
Hiện nay, bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn Nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ, vì vậy không thể chủ quan. Bên cạnh đó là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn, ông Huệ nêu thực tế và cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này.
Post a Comment