Chính phủ giải thích sân bay Long Thành theo quy định của Luật Đấu thầu thì phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Do vậy, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra báo cáo) Vũ Hồng Thanh thì ý của Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ.
Chiều 24/10 ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về báo cáo báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Tại tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nói trên, gồm: chấp thuận hình thức đầu tư (bao gồm cả việc chỉ định thầu cho ACV - PV) điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha để đất xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung cho nhiệm vụ quốc phòng và dân dụng. Chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ số 01 và 02 vào dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Tham gia thảo luận tại tổ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, quá trình thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cơ quan thẩm tra gặp khó khi nhiều vấn đề ngay cả Hội đồng thẩm định quốc gia cũng chưa làm xong phần việc của mình nên những nội dung như tổng mức đầu tư, kế hoạch tài chính, chính sách đặc thù dành cho dự án cũng chưa thể xem xét.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh, trong số 4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định, gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao cho ACV đầu tư dự án.
Cụ thể, trong số 4 hạng mục triển khai tại dự án, có 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty quản lý bay (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).
Theo phân tích của ông Thanh thì ACV có 95% vốn nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo điều 22 Luật Đấu thầu, thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ.
Nhưng việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có, ông Thanh nhắc lại ý kiến đã nêu tại phiên thẩm tra của Uỷ ban.
"Chúng tôi ủng hộ ACV vì nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác có nhiều hơn nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này chứ nếu không, 5-10 năm nữa Uỷ ban Kiểm tra trung ương lại vào, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh thông tin thêm.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cũng nêu thực tế sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn, nếu không đầu tư một sân bay mới thì không còn hướng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế, mong các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ về sân bay Long Thành.
Cũng bày tỏ sự ủng hộ cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ làm sân bay Long Thành, song đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nhấn mạnh, lẽ ra kỳ này Chính phủ phải trình báo cáo khả thi hoàn chỉnh nhưng đến nay chỉ là báo cáo giai đoạn 1 chưa hoàn chỉnh (Hội đồng thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo Nghị quyết 94 như tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính của Dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù - PV).
Câu hỏi đặt ra là vậy thì Quốc hội phải xem xét bao nhiêu lần nữa với cái kiểu trình thế này, mà theo nghị quyết của Quốc hội thì Quốc hội xem xét báo cáo khả thi thôi, chứ cứ bàn kiểu này thì sẽ mất rất nhiều thời gian, ông Thành sốt ruột.
Post a Comment