Cách đây chỉ vài năm, cứ 5 chiếc điện thoại thông minh (smartphone) được bán ở Trung Quốc lại có một chiếc do Samsung sản xuất. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã hoàn toàn khác.
Theo trang CNN Business, Samsung tuần trước tuyên bố sẽ đóng cửa nốt nhà máy smartphone còn lại của hãng ở Trung Quốc, nhà máy đặt ở Huy Châu. Thị phần của Samsung tại Trung Quốc - thị trường smartphone lớn nhất thế giới - đã sụt giảm chóng mặt trong khi chi phí lao động gia tăng. Thực tế này buộc Samsung phải đặt tầm nhìn vào những thị trường khác hứa hẹn hơn.
"Như một phần trong nỗ lực đang diễn ra nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất, Samsung Electronics đã đi đến quyết định khó khăn là dừng hoạt động của Samsung Electronics Huy Châu", tuyên bố của Samsung hôm thứ Năm có đoạn viết.
"Gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc không cho biết thêm chi tiết cụ thể, bao gồm chính xác khi nào thì dừng hoạt động nhà máy trên và nhà máy hiện có bao nhiêu công nhân.
Ở thời kỳ hoàng kim, nhà máy Huy Châu là cơ sở lớn nhất của Samsung tại Trung Quốc, có lúc là nơi sản xuất 1/5 toàn bộ số smartphone được tiêu thụ tại nước này, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Trước khi Samsung có thông báo chính thức, tin đồn đã rộ lên trong thời gian gần đây về việc nhà máy ở Huy Châu sắp đóng cửa. Tháng trước, nhà máy này đăng thông báo tuyển dụng của 13 công ty khác lên tài khoản WeChat chính thức của nhà máy, gợi ý những người theo dõi (follower) nên tìm công việc ở các địa chỉ khác.
Hôm thứ Năm, trang tin địa phương Zhiwei Tech đăng lên mạng Weibo một đoạn video cho thấy công nhân trong nhà máy Samsung ở Huy Châu đang đăng ký để được nhận một chiếc điện thoại Samsung miễn phí. Chiếc điện thoại này được cho là món quà chia tay mà nhà máy dành cho những công nhân đã gắn bó hơn 10 năm.
Việc đóng cửa nhà máy Huy Châu là sự thừa nhận của Samsung về thất bại của hãng tại thị trường Trung Quốc. CNN Business cho rằng có một số yếu tố dẫn tới thất bại này của nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Counterpoint Research, tính đến quý 1 năm nay, Samsung chỉ còn chiếm 1% thị trường smartphone tại Trung Quốc.
Thị phần của Samsung tại Trung Quốc trượt dài từ cuối năm 2016, khi hãng đương đầu với cuộc khủng hoảng cháy nổ Galaxy Note 7. Nhà phân tích Flora Tang của Counterpoint cho rằng phản ứng có phần chậm chạp của Samsung với cuộc khủng hoảng đó đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc mất niềm tin.
Trước cuộc khủng hoảng Galaxy Note 7, Samsung luôn nằm trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc về doanh số. Vào năm 2013, hãng chiếm thị phần smartphone 20% tại nước này.
Ngoài vấn đề Galaxy Note 7, Samsung còn đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các hãng smartphone Trung Quốc. Trong mấy năm qua, những cái tên như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi ngày càng được ưa chuộng ở "sân nhà" nhờ sản phẩm đa dạng, giá cả phải chăng, hệ sinh thái dịch vụ có mức độ địa phương hóa cao hơn, và kênh bán hàng rộng khắp - theo nhà phân tích Tang.
Bên cạnh đó, thị trường smartphone nói chung của Trung Quốc đã chững lại trong những năm gần đây, chứng kiến năm giảm doanh số đầu tiên trong 2017 và có quý giảm tệ nhất trong 6 năm vào quý 1/2019.
Samsung giờ đây đang mở rộng sản xuất tại các thị trường mới nổi khác để hưởng lợi từ mức chi phí thấp hơn, nhất là chi phí nhân công. Khoảng 60% smartphone của Samsung hiện nay được sản xuất tại Việt Nam, theo số liệu của Canalys.
Một thị trường tăng trưởng lớn hiện nay của Samsung là Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ nhì thế giới. Samsung đã có 3 năm liên tiếp là hãng smartphone lớn nhất tại Ấn Độ về doanh số cho tới khi bị Xiaomi "qua mặt" gần đây. Hiện tại, Samsung và Xiaomi đang cạnh tranh quyết liệt cho vị trí số 1 tại quốc gia Nam Á này.
Năm ngoái, Samsung khai trương cơ sở mà hãng gọi là "nhà máy điện thoại di động lớn nhất thế giới" ở Noida, thành phố gần New Delhi. Samsung cho biết nhà máy này sẽ giúp hãng tăng gần gấp đôi công suất ở Ấn Độ.
Theo chuyên gia Tang, đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc là một lựa chọn tốt để Samsung giảm thiểu nguy cơ thua lỗ và củng cố lợi nhuận. "Mảng kinh doanh smartphone của Samsung ở Đông Nam Á và Ấn Độ có vẻ tích cực hơn ở Trung Quốc nhiều", bà Tang nhận xét.
Post a Comment