Phần lớn đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, người quen, thậm chí có địa phương số đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, người quen chiếm trên 90%...

Thông tin này được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh là "đáng lưu ý" tại báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và báo cáo của các cơ quan tư pháp năm 2019.

Tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng

Theo đánh giá của Uỷ ban Tư pháp, mặc dù về tổng thể chung, tình hình tội phạm giảm, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo, vô nhân tính. Đặc biệt có nhiều vụ giết người thân trong gia đình vì những mâu thuẫn nhỏ; nhiều vụ cố ý gây thương tích do đối tượng bị ảo giác, "ngáo đá" vì sử dụng ma túy tổng hợp, gây lo lắng trong nhân dân.

Đánh giá tiếp theo từ cơ quan thẩm tra là số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện nhiều, xử lý nghiêm nhưng tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em không giảm, tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, trong đó trên 70% số vụ là xâm hại tình dục trẻ em.

"Đáng lưu ý, phần lớn đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, người quen, thậm chí có địa phương số đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người ruột thịt, người thân thích, người quen chiếm trên 90%... Điều này cho thấy đạo đức trong một bộ phận xã hội, gia đình xuống cấp nghiêm trọng, đáng báo động, đồng thời cũng cảnh báo về công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu", cơ quan thẩm tra nhìn nhận.

Vẫn theo Uỷ ban Tư pháp, tình trạng mua bán người vẫn rất phức tạp, nhất là ở những địa bàn miền núi, khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng việc phát hiện, ngăn chặn không được nhiều. Nạn môi giới mua, bán bộ phận cơ thể người, mang thai hộ vì mục đích thương mại đang diễn biến phức tạp, nhưng đến nay vẫn chưa được đánh giá một cách tổng thể về loại tội phạm này và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả. Nổi lên là hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự đã sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video clip cổ súy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, tác động xấu đến xã hội, nhất là giới trẻ . Điều này cho thấy, công tác quản lý mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn còn hạn chế, Uỷ ban Tư pháp đánh giá.

Người cần gương mẫu lại chây ì

Đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn cao hơn so với năm trước.

Thông tin trên được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh tại báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và báo cáo của các cơ quan tư pháp năm 2019.

Liên quan đến công tác thi hành án hành chính, vấn đề Uỷ ban đã bày tỏ sự sốt ruột qua nhiều kỳ họp, báo cáo thẩm tra cho biết, cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi việc thi hành 637 bản án, quyết định hành chính của toà án nhân dân (tăng 274 bản án, quyết định). Kết quả thi hành xong là 298 vụ việc (46,8%), đã ban hành 71 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án.

Tuy nhiên, uỷ ban thẩm tra nhấn mạnh, tỷ lệ thi hành án hành chính năm 2019 đạt thấp, số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 (số việc chưa thi hành xong của 2018  là 224 việc). Đến nay, cả nước còn 313 bản án mà chủ tịch UBND, UBND là người phải thi hành nhưng chưa thi hành xong. "Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Tuy nhiên, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, thậm chí năm sau còn cao hơn so với năm trước, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm".

Sau nhấn mạnh trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời, có biện pháp kiên quyết bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong việc thi hành các bản án hành chính.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top