Một số nội dung của Hiến pháp 2013 đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ, như cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý.

Hạn chế nói trên được Chính phủ nêu tại báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 vừa được gửi đến Quốc hội.

Chính phủ nhìn nhận, 5 năm qua công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến, như dự án Luật về hội, Luật Biểu tình…

Một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ, ví dụ cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý.

Chính phủ dẫn lại báo cáo  số 429/BC-UBTVQH sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp khối Quốc hội: việc kiểm soát của Quốc hội thông qua xem xét báo cáo, chất vấn tại kỳ họp và thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội còn dàn trải, chưa tập trung làm sâu sắc những vấn đề lớn, quan trọng trong hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp, tư pháp đúng với tính chất là "giám sát tối cao"; chưa có các thiết chế bảo đảm thực thi quyền giám sát tối cao của mình.

Hạn chế tiếp theo được chỉ ra tại báo cáo là chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều, tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm. Tình trạng thiếu đồng bộ giữa các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được giải quyết triệt để.

Việc các cơ quan thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng còn chậm hoặc còn sắp xếp cơ học ở một số nơi. Một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa thực sự phù hợp và còn thiếu tính dài hạn; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan còn hạn chế, chất lượng chưa cao

Trong rà soát văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp, theo báo cáo thì đối với các văn bản quy phạm pháp luật về bầu cử, kết quả rà soát cho thấy, một số quy định của Hiến pháp chưa được luật hóa. Như cơ chế để bảo đảm cho công dân thực hiện quyền bầu cử, chế định Hội đồng bầu cử quốc gia, cơ chế cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân,...

Ngoài ra, một số quy định của các luật về bầu cử chưa phù hợp với Hiến pháp, chưa đồng bộ, thống nhất với những vấn đề mới liên quan đến công tác bầu cử quy định trong các đạo luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân với nhiều điểm mới quan trọng, Chính phủ cho biết.

Một  trong những kết quả nổi bật được nêu tại báo cáo là sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật. Còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong danh mục nhưng chưa được ban hành.

Về cơ bản, nội dung của các luật, pháp lệnh được ban hành đã cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bám sát và thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập quốc tế, Chính phủ nhìn nhận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top