Những luận điểm, quan điểm sâu sắc của Đảng đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay gọi là cách mạng 4.0) cũng như những định hướng về cuộc cách mạng này đã được diễn giải, thảo luận trong phiên tọa đàm bàn tròn cấp cao tại Phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 3/10 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.

Giải tỏa tự ti về cách mạng 4.0

Về cuộc cách mạng 4.0, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết, đã có những tư tưởng, suy nghĩ rất bàng quan, thụ động, thậm chí là tự ti cho rằng cuộc cách mạng này là của ai đó chứ không phải là cuộc cách mạng của chúng ta, rồi lại cho rằng Việt Nam cứ làm tốt 0.4 đi đã cớ gì phải nhanh chóng, vội vàng làm 4.0.

Ngoài ra cũng có những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan, nóng vội, duy ý trí, cho rằng cái gì cũng nói đến 4.0, coi 4.0 là xử lý tất cả mọi việc, không tính đến những mặt trái, hệ lụy, những tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này có thể mang đến, có thể ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đến công bằng xã hội cũng như phát triển bền vững của nền kinh tế.

"Nhưng Nghị quyết 52 (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị - PV) ra đời được đánh giá hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4", ông Bình cho biết.

Theo vị Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tại Nghị quyết 52, một số ý lớn, chủ trương quan trọng của Đảng đối với cuộc cách mạng 4.0 xác định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước.

cm4

Lãnh đạo nhiều bộ ngành trao đổi bên lề Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 - Ảnh: Quang Phúc.

Bên cạnh đó Đảng cũng yêu cầu phải nhận thức được đầy đủ, đúng đắn về các nội hàm và bản chất cách mạng của cuộc cách mạng lần này để từ đó có quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới hành động và coi đây là khâu đột phá để đất nước có thể chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0.

Theo ông Bình, trong số 4 quan điểm lớn trong Nghị quyết 52 thì quan điểm trên được xem là bao trùm, khái quát nhất. Và cũng chính quan điểm này sẽ giúp giải tỏa những tư tưởng đang tồn tại nêu trên để tạo ra sự tự tin vững vàng của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng bước khắc phục những khó khăn thách thức để chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0, để đảm bảo cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung uowng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng cho rằng, Nghị quyết 52 của Trung ương khẳng định quyết tâm và đưa ra những định hướng cơ bản để thể chế hóa vai trò quyết tâm chính trị toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, thể chế hóa nhà nước, sáng tạo của các nhà khoa học, nhà công nghệ, đặc biệt sự năng động của doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, từ đó sẽ tạo sự đồng bộ ở tất cả các tuyến.

Không thiếu nguồn lực cho cách mạng 4.0

Tại phiên tọa đàm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được triển khai. Ông cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Một trong những vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện cuộc cách mạng 4.0. Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, nói đến nguồn lực cho cuộc cách mạng này Việt Nam lại đang có thế mạnh. Ông cho rằng, nguồn lực là về vốn và chính sách.

Trong đó, về vốn, chính nhiều nước phát triển đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nên đã đầu tư nguồn vốn rất lớn bên cạnh tạo ra các nền tảng quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là trở ngại trong tiếp cận cách mạng lần này vì không dễ gì bỏ đi những gì mình đã có trước đây. Trong khi đó, những nước đang phát triển như Việt Nam, có điểm yếu là chưa có được xuất phát điểm tốt nhưng chính vì vậy nếu tập trung nguồn lực thì có thể bỏ qua đầu tư cho các giai đoạn trước và tiếp cận ngay với cuộc cách mạng 4.0.

Thứ hai, cuộc cách mạng lần thứ tư chủ yếu là các nguồn lực cơ chế chính sách. Nếu có cơ chế chính sách tốt sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả, khi đó sẽ có những sản phẩm tốt, mà có những sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. "Chúng ta không chủ quan nhưng không tự ti là chúng ta không thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4", ông Bình nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, nhiều diễn giả cùng cho rằng, cuộc cách mạng lần thứ 4 về bản chất là cuộc cách mạng về thể chế. Thực tế, với việc phát triển mạnh mẽ công nghệ đặc biệt là công nghệ số trong những năm gần đây tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh chóng thậm chí là bùng nổ. Và từ bùng nổ đó làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay - tức thể chế truyền thống - không còn phù hợp nữa. Thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển, do vậy phải có sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế.

Điều này được ông Bình giải đáp, trong Nghị quyết 52, Đảng đề nghị cần phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm. Đây là một điểm mới và hết sức mạnh mẽ. Theo ông Bình, từ trước đến nay chúng ta vẫn có tư duy quản lý theo lối mòn – là cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm, như vậy làm gì còn đổi mới sáng tạo, và suy cho cùng sẽ không thể có cách mạng 4.0.

"Nếu chúng ta vẫn tiếp tục tư duy như thế để quản lý kinh tế và quản lý xã hội thì chính chúng ta đã dừng lại trong khi cuộc cách mạng này tràn qua và ta sẽ lại là người đến sau và ở phía sau", ông Bình đánh giá.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top