Tìm kiếm giải pháp để thực hiện Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là mục tiêu mà Diễn đàn kinh tế Tp.HCM năm 2019 (HEF) hướng tới. Đây là diễn đàn do Ủy ban Nhân dân Tp.HCM tổ chức nhằm mục tiêu tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung và các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của thành phố nói riêng.
Nhiều cơ hội để phát triển
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM, Phó Trưởng Ban Tổ chức, với chủ đề "Phát triển Tp.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", nội dung của diễn đàn sẽ xoay quanh bốn chủ đề chính, gồm: Tp.HCM hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng - mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một tung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền thành phố để xây dung Tp.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Cũng theo ông Dũng, Tp.HCM là nơi hội tụ đầy đủ nhất các điều kiện để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Trước tiên, Tp.HCM là trung tâm tài chính lớn của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển GDP của cả nước; là trung tâm giao thương của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng nhất; Tp.HCM cũng là nơi chiếm đến 50% lượng doanh nghiệp của các nước, trong đó có các doanh nghiệp trong nước và tập đoàn nước ngoài lớn.
Tp.HCM cũng là nơi có thị trường chứng khoán đầu tiên và hiện là thị trường giao dịch chiếm đến 80% khối lượng và giá trị của cả nước. Đây cũng là nơi kết nối tất cả các định chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới…
"Với những chính sách đặc biệt của Trung ương và những quyết tâm của lãnh đạo Tp.HCM, cùng những điều kiện thuận lợi, Tp.HCM có nhiều điều kiện để sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng tình, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ: Tp.HCM có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như đóng góp không nhỏ vào việc duy trì sự tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung. Mục tiêu của Tp.HCM không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước mà còn là thu hẹp và bắt kịp các thành phố trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
"Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ, một trong những giải pháp để bắt nhịp với xu thế là xây dựng thành phố thành TTTC của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu", ông Tự Anh nói thêm.
Cần có kế hoạch cụ thể
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Tp.HCM cần phải hoàn thiện nhiều mặt. Trước tiên, Tp.HCM phải xác lập vị thế TTTC theo định hướng khu vực và quốc tế. Muốn như thế phải vượt qua thách thức về cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực.
Đó là việc phải cải thiện môi trường kinh doanh như: cải thiện pháp luật, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng kinh doanh minh bạch... Ngoài ra, các chính sách quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ... cũng cực kỳ quan trọng. Song hành việc cải thiện các chính sách trên, là việc phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường...
Chính vì vậy, Tp.HCM cần có giải pháp mang tính đột phá trong đề xuất chính sách quốc gia tạo nền tảng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tài chính. Đồng thời, chính Tp.HCM cũng cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn và kế hoạch cụ thể trong việc phát triển các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025; tăng tốc công trình chống ngập; hoàn thiện quy hoạch đô thị...
Cũng theo ban tổ chức, các vấn đề trên sẽ được lãnh đạo thành phố trao đổi cùng các chuyên gia nghiên cứu và các tổ chức tài chính, đầu tư trong nước và quốc tế tại Diễn đàn được tổ chức vào ngày 18/10 tới. Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động bên lề như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành tài chính, ngân hàng cũng như các sản phẩm dịch vụ công nghệ cao… tại Tp.HCM vào ngày 17/10 và chương trình kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam vào ngày 19/10 tại Trung tâm hội nghị White Palace (Thủ Đức, Tp.HCM).
Diễn đàn năm nay có sự tham gia của hơn 800 đại biểu gồm lãnh đạo chính phủ Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao; cơ quan lãnh sự; lãnh đạo ngân hàng Thế giới, các định chế tài chính quốc tế (IMF; ADB, IFC…), các chuyên gia tài chính, đại diện lãnh đạo các trung tâm tài chính trên thế giới, các tổ chức tài chính, và doanh nghiệp.
Post a Comment