Ngoài lập pháp và giám sát như thường lệ còn nghe báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước (trong đó có tình hình biển Đông), bỏ phiếu miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế, bầu Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật mới...Quốc hội khoá 14 bận rộn sáu tuần với Quốc sự và nhân sự.

Sáng 21/10, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 8 lúc 9 giờ sáng, bắt đầu 28 ngày làm việc với khối lượng công việc "khổng lồ".

Và kỳ này, Quốc hội lại có thêm một ghế trống. Nội dung này sẽ được báo cáo tại phiên trù bị sẽ diễn ra từ 8 giờ sáng ngày khai mạc. Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy sẽ trình bày báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Hồ Văn Năm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Như vậy là cả hai kỳ họp năm nay, Quốc hội đều phải "đón nhận" thông tin không vui về nhân sự. Kỳ thứ 7 ông Tuý cũng đã phải trình bày báo cáo tương tự đối với ông Lê Đình Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Cả hai vị đều đã bị thi hành kỷ luật Đảng và có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

Hiện tại, đại biểu có số ghế trong nghị trường chỉ còn lại 483, sau nhiều "rơi rớt" từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Nhưng cũng rất hiếm khi phòng Diên Hồng (nơi diễn ra các phiên họp toàn thể của Quốc hội) có sự hiện diện của cả 483 vị.

Liệu có biện pháp gì để các đại biểu đi họp đầy đủ cũng là câu hỏi được nêu tại cuộc họp báo trước thềm kỳ họp này.

Và câu trả lời của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là cuối năm địa phương rất nhiều việc nên đại biểu không chuyên trách vắng một số phiên là không tránh khỏi, song sẽ nhắc nhở các trưởng đoàn đôn đốc đại biểu, nhất là các phiên biểu quyết thì có mặt đầy đủ.

Nhưng, để có thể yên tâm bấm nút biểu quyết thì trước đó các đại biểu còn có nhiều vòng thảo luận, từ tổ đến hội trường, nhân sự thì thảo luận theo đoàn.

Mà kỳ này, ngoài cho ý kiến về hơn 20 dự án luật, thảo luận về kinh tế - xã hội,  ngân sách, các báo cáo tư pháp, giám sát tối cao, chất vấn... Quốc hội còn đặt lên bàn nghị sự nhiều vấn đề quan trọng khác.

Đó là nghe báo cáo về biển Đông. Biển Đông đang căng thẳng, nhưng dự kiến chương trình kỳ họp chưa thấy nội dung này, phải chăng Quốc hội chưa thấy đây là vấn đề quan trọng?, băn khoăn này đã được phóng viên quốc tế đặt ra trong buổi họp báo trước thềm kỳ họp.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hồi âm, kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019. Trong đó bao gồm cả tình hình biển Đông, ông Phúc nói rõ.

Quốc sự, đó còn là việc xem xét việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Cũng rất quan trọng là việc cho ý kiến báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công trình quan trọng đặc biệt của Quốc gia, mà Chính phủ đang muốn Quốc hội đồng ý chỉ định thầu chứ không đấu thầu theo luật.

Các vị đại diện cho dân cũng sẽ xem xét đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước từ Chính phủ, với số tiền ước tính miễn thu khoảng gần 5.000 tỷ đồng.

Dự kiến kéo dài thêm một tuần so với chương trình ban đầu, hai ngày 25 và 26/7 (tuần cuối của kỳ họp) Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác nhân sự.

Lần này, người được đưa ra miễn nhiệm là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhưng nhân sự kế nhiệm chưa được trình Quốc hội phê chuẩn, theo chương trình dự kiến của kỳ họp.

Tổng thư ký  Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải: "Thủ  tướng Chính phủ đề nghị thì Quốc hội mới phê chuẩn", và hiện Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế để lãnh đạo chỉ đạo, tức là "vị trí lãnh đạo Bộ Y tế không bị bỏ trống".

Với nhân sự của Uỷ ban Pháp luật thì sau khi miễn nhiệm để ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm uỷ ban nhận công tác mới Quốc hội sẽ tiến hành bầu luôn người kế nhiệm. Song nhân sự cụ thể chưa được tiết lộ.

Đó là mới kể sơ sơ, chưa hết được toàn bộ nội dung kỳ họp. Mà với không ít nội dung, để yên tâm (dù chỉ là tương đối) bấm nút thì có khi phải nghiên cứu cả hàng ngàn trang tài liệu. Có vấn đề để thẩm tra được thì đại biểu phải xem cả tạ tài liệu, chẳng hạn như báo cáo nghiên cứu khả thi về sân bay Long Thành.

Thế nên, nếu có dành cả 100% thời gian thì đại biểu cũng khó có đủ thời gian để xem hết các loại tài liệu, chứ chưa nói chỉ dành 30% (đại biểu không chuyên trách). Thế nên từ nhiệm kỳ trước đến nhiệm kỳ này vẫn có bộ trưởng "vô tư" gửi đến Quốc hội những báo cáo chứa đựng cả con số và nhận định nếu không phải được sao chép từ các báo cáo rất cũ thì cũng là copy không kiểm chứng từ báo mạng. 

Việc này, theo như khẳng định của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang thì cơ quan nào báo cáo không trung thực thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.  

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top