Tại cuộc họp báo chiều 18/10, trả lời câu hỏi liên quan đến việc 9 người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ở lại Hàn Quốc trái phép, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời dứt khoát: lần sau sẽ không cho "đi nhờ" chuyên cơ nữa.
Ông Phúc giải thích kỹ hơn là sở dĩ ông nói đi nhờ chứ không đi cùng vì những người này đi dự diễn đàn kinh tế chứ không phải cùng đoàn công tác của Quốc hội.
Đây cũng không phải lần đầu tiên có chuyện đi nhờ, quá trình lập danh sách thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi sang Bộ Công an và đã thẩm tra thân nhân. Ngay sau khi sự việc xảy ra Văn phòng Quốc hội đã kiên quyết yêu cầu các với cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với phía Hàn Quốc để trục xuất những người bỏ trốn về, ông Phúc nói thêm.
Tổng thư ký Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ quan nhà nước cũng muốn tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, thuận lợi làm ăn, nhưng lợi dụng việc đó thì không tốt chút nào. Lần sau không cho đi nhờ nữa, đi diễn đàn thì ông tự tổ chức đi thôi, không liên quan đến Văn phòng Quốc hội nữa khỏi mang tiếng đi cùng chuyên cơ, ông Phúc quả quyết.
Tổng thư ký cũng cho biết, những người bỏ trốn không phải dùng visa phải ngoại giao mà visa do công ty du lịch làm.
Danh sách những người này không thuộc tài liệu mật, tại sao lại không công khai? phóng viên VnEconomy đặt câu hỏi.
Danh sách này tôi không biết tên ai cả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hộ chiếu này, tôi không biết ai cả, ông Phúc trả lời.
Ngoài vấn đề nêu trên, ông Phúc cũng trả lời câu hỏi về lý do miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc.
Ông Phúc cho biết, về hành chính thì bà Tiến đã đến nghỉ hưu nhưng vừa rồi đã nhận chức Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Trung ương.
Về câu hỏi nhân sự kế nhiệm bà Tiến, ông Phúc cho biết phải trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng thì Quốc hội mới phê chuẩn. Bộ Chính trị cũng đã phân công Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giữ chức bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế để lãnh đạo chỉ đạo.
Về chương trình kỳ hop thứ 8 của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác trong 11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tăng 0,5 ngày so với kỳ họp thứ 7.
Ông Hùng cũng cho biết, về công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Trong 13 dự án luật được thông qua có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức.
Các nghị quyết được thông qua là Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia. Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp). Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có). Xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp).
Post a Comment