Việt Nam nhảy 10 bậc trong báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index) 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Singapore vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới.

Để đưa ra xếp hạng gồm 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia của WEF đã tiến hành phân tích 103 chỉ số chính như lạm phát, kỹ năng số và thuế quan thương mại. Các chỉ số này được sắp xếp thành 12 trụ cột, bao gồm thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, và sức khỏe.

Kết quả cho thấy Việt Nam đạt 61,5/100 điểm, tăng 3,5 điểm so với năm 2018. Với điểm số này, Việt Nam đứng ở vị trí 67 trong xếp hạng, tăng 10 bậc so với năm ngoái. WEF nhấn mạnh rằng Việt Nam là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong xếp hạng năm nay.

Ấn Độ, nền kinh tế mới nổi hàng đầu châu Á, tụt 10 bậc, xếp ở vị trí 68, sau Việt Nam một bậc.

Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau các nước Singapore (vị trí 1), Malaysia (27), Thái Lan (40), Brunei (56), và Philippines (64); đồng thời đứng trên Campuchia (106) và Lào (113).

Trung Quốc xếp vị trí 28, không có sự thay đổi so với năm ngoái.

Mỹ, quốc gia chiếm vị trí số 1 trong xếp hạng 2018, đã tụt một bậc trong xếp hạng năm nay, xuống vị trí thứ hai. Tuy nhiên, WEF nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn là một "cường quốc sáng tạo".

Mỹ được đánh giá cao ở những tiêu chí như sự sẵn có của nhân lực trình độ cao và vốn đầu tư mạo hiểm, nhưng nhận điểm số tương đối thấp ở một số hạng mục do thuế quan gia tăng, tuổi thọ giảm… WEF cho rằng tuổi thọ bình quân ở Mỹ hiện nay là 66 tuổi, thấp hơn so với mức 68 tuổi của Trung Quốc.

Singapore, nước xếp ở vị trí số 1, giành điểm số cao ở các tiêu chí khu vực công, lực lượng lao động, tính đa dạng, và cơ sở hạ tầng. Nước này cũng xếp thứ nhất về tuổi thọ, với trẻ em mới sinh ở đảo quốc sư tử được dự báo sống thọ bình quân 74 tuổi.

Top 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất mà xếp hạng đưa ra bao gồm Singapore (84,8 điểm); Mỹ (83,7); Hồng Kông (83,1); Hà Lan (82,4); Thụy Sỹ (82,3); Nhật Bản (82,3); Đức (81,8); Thụy Điển (81,2); Anh (81,2); và Đan Mạch (81,2).

Điểm bình quân của 141 nền kinh tế trong xếp hạng là 61 điểm. Đứng ở vị trí cuối cùng của xếp hạng là quốc gia châu Phi Chad, với điểm số 35,1 điểm.

WEF nhấn mạnh rằng bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại gia tăng đang kéo theo sự bấp bênh và có thể dẫn tới sự giảm tốc kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo WEF, một số quốc gia đang hưởng lợi từ sự chuyển hướng của các dòng chảy thương mại, như Singapore và Việt Nam.

Báo cáo kêu gọi các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh thực thi các chính sách xã hội cần thiết để chuẩn bị cho người dân bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo WEF, nhiều nền kinh tế lớn nhất và sáng tạo nhất như Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đang sở hữu hệ thống giáo dục chưa bắt kịp với mức độ sáng tạo tương ứng của quốc gia đó.

Một mối lo ngại khác mà WEF đề cập là sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đang diễn ra trên diện rộng, cho dù các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bơm tổng cộng hơn 10 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong thập kỷ qua. Theo báo cáo, chính sách tiền tệ đã bắt đầu "hụt hơi" trong việc hỗ trợ tăng trưởng. Bởi vậy, nhiệm vụ hỗ trợ tăng trưởng bắt đầu rơi nhiều hơn vào chính sách tài khóa.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top