Liên quan đến vụ việc nước sông Đà nhiễm chất styren, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước.

Dù chưa thống kê chính xác được mức độ thiệt hại nhưng cuộc sống của người dân ở những quận, huyện dùng nước nhiễm bẩn bị xáo trộn là có thật. Các hộ gia đình này phải mua nước đóng bình để sử dụng thay thế cho nước máy hàng ngày, rồi xếp hàng đi lấy nước sạch…

Trao đổi với VnEconomy, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà thực hiện giao dịch với người dân thông qua hợp đồng mua bán nên khi chất lượng sản phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người mua thì đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Người dân có thể khởi kiện Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chất lượng nước sinh hoạt phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT (Thông tư 41) ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sinh hoạt.

Đơn vị này đã vi phạm hợp đồng cung cấp nước sạch, phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra đối với các hộ dân và còn bị xem xét xử lý trách nhiệm pháp lý theo quy định. 

Mặt khác, Luật sư Trần Minh Hùng phân tích, trong sự cố trên có dấu hiệu của hành vi đổ dầu nhớt gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, tác hại xấu trực tiếp đến sức khỏe cư dân Thủ đô và những nơi sử dụng nguồn nước này.

Hành vi trên còn dấu hiệu của tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại điều 235 Bộ Luật hình sự hiện hành. Theo đó ai có hành vi "chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác". 

Tội gây ô nhiễm môi trường khung hình phạt được quy định phụ thuộc khối lượng chất thải nguy hại được thải ra môi trường. 

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà còn có hành vi phát hiện nguồn nước nhiễm bẩn nguy hại nhưng không có bất cứ hành động nào, từ báo cáo đến ngăn chặn, như vậy, đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự.

"Như vậy, có thể khởi tố vụ án để điều tra nguyên nhân các lít dầu bị thải ra nguồn nước. Sự việc này rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành trong đó có cả thủ đô của đất nước", Luật sư Hùng nói. 

Đồng quan điểm, Luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội dẫn nhiều quy định và cho rằng, để bồi thường thiệt hại cho người dân, trước mắt, Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà phải ngay lâp tức cung cấp nước sạch khác thay thế cho người dân ở những vùng bị ô nhiễm. Phải súc xả, rửa toàn bộ đường ống bị ô nhiễm, ngoài chất styren phải xem còn chất gì khác không.  Nếu nguồn nước này gây tác hại sinh học đến con người thì phải chi trả cho vấn đề y tế… 

Luật sư Trương Anh Tuấn cũng cho rằng, vụ việc này chắc chắn vi phạm hành chính, tuỳ định lượng mà xử phạt theo quy định.

"Có thể khởi tố hình sự, vì Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà cố ý cấp nước mặc dù biết nguồn nước đó ô nhiễm, không thể sử dụng cho ăn uống được. Tuy nhiên, cũng phải xem xét kỹ hơn, phải căn cứ vào liều lượng nước bị ô nhiễm, mức độ ảnh hưởng đến người dân như thế nào", ông Tuấn nói.

Về vụ việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.

Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10 tới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top