Sáng ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên cuối cùng trong số bốn Bộ trưởng tại kỳ họp này đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Trước khi nhận chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có ít phút phát biểu, ông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghệ công nghiệp, dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.
Bộ cũng quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực và dòng chảy chính của xã hội Việt Nam tạo đồng thuận niềm tin cho xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó.
"Dù đã đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên, nhằm giữ Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước", ông nói.
Nửa phiên chất vấn buổi sáng, khá nhiều câu hỏi liên quan đến tin giả, xin xấu độc, tin chống phá nhà nước trên mạng xã hội và việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đặc câu hỏi hiện nay nhiều trang mạng xấu độc nhưng cũng có một lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội, vậy giải pháp nào để giải quyết các bất cập trên mà không phải bị động chạy xử lý vụ việc?
Hay đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi sau khi Luật An ninh mạng được ban hành nhưng vẫn xuất hiện không ít các tin nhắn rác, các video clip, tin bài phản cảm nội dung đồi truỵ thiếu văn hoá, và nghiêm trọng hơn là thông tin cá cược, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh đạo,…
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, câu chuyện tin xấu độc trên mạng xã hội là mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng nước ta. Theo Bộ trưởng Hùng, các nước trên thế giới đều có những quy định pháp luật để xử lý tin giả. Trong khu vực, như Singapore gần đây còn đưa ra một luật xử lý tin giả rất nghiêm minh mang tính răn đe, như xử phạt vài chục triệu USD hoặc thậm chí phải đi tù. Ông cũng cho biết, tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định về xử lý vấn đề tin giả.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hùng, tin xấu độc nhiều khi chính chúng ta mà ra, do vậy giáo dục vẫn là biện pháp căn cơ cho tình trạng trên. Trên thế giới, nhiều quốc gia yêu cầu mỗi người dân phải có khả năng phân biệt trên không gian mạng tin xấu, tin tốt và có khả năng phản biện đấu tranh các thông tin tiêu cực.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, có hàng triệu tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin lên không gian mạng, vì vậy mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng để phân biệt tin xấu, độc. Nếu chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt xấu, thì tự nhiên cái xấu không tồn tại.
Và nếu chúng ta lên không gian mạng đọc một tin xấu độc thì vô hình chung đã trả tiền nuôi thông tin xấu độc. Do vậy, theo ông, không nên xem tin xấu độc. Khi chúng ta không xem những nguồn này thì dần dần nó sẽ suy giảm đi.
Trước phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề, nếu người sử dụng mạng không xem tin xấu, độc thì làm sao biết là xấu, là độc, là giả? Theo Chủ tịch, vấn đề là người đọc phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai, cái nào thật, cái giả. Còn không xem thì không biết gì hết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước khi tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu, ông cũng giải đáp chất vấn của Chủ tịch Kim Ngân, rằng ý ở đây là vẫn phải xem một lần hai lần để biết cái trang đó, người đó nói về cái gì và phải có thái độ.
"Trong đời thực, một người làm việc xấu thì một ánh mắt nhìn thôi đã ngăn chặn được hành động đó rồi. Trong không gian mạng không có ánh mắt nhìn thì chúng ta có hành động dislike để thể hiện thái độ. Chính vì thế, một lần xem xong, có phần dislike thì chúng ta cũng nên thể hiện thái độ, mỗi cá nhân đều phải có những cách đấu tranh với những cái xấu đó", Bộ trưởng Hùng trả lời.
Đối với việc bảo vệ thông tin đời tư cá nhân như câu hỏi của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Bộ trưởng Hùng chia sẻ cách đây một tháng ông có đi làm kính, đến cửa hàng nhân viên đề nghị ông khai đầy đủ thông tin cá nhân. Do vậy, theo ông, chính chúng ta đã dễ dãi trong câu chuyện đưa thông tin cá nhân.
Bộ trưởng Hùng cho rằng, cần có quy định pháp luật rất rõ thông tin cá nhân nào được sử dụng và sử dụng vào việc gì, cái gì cần phải xin phép khách hàng. "Chúng ta phải có quy định cụ thể về việc sử dụng thông tin cá nhân, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy định này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Post a Comment