Gói lại ba ngày chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, từ 15h chiều nay (8/11) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Trước đó, từ sáng 6/11 đã có bốn thành viên Chính phủ lên "ghế nóng", lần lượt là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Qua đó, nhiều vấn đề cũ nhưng bức xúc vẫn đang rất mới đã được đại biểu "truy" giải pháp từ các thành viên Chính phủ. Đó là điệp khúc được mùa mất giá, không được mùa cũng mất giá trong nông nghiệp, là vấn đề thiếu điện, hàng Việt Nam bị đội lốt, dự án chậm tiến độ trong lĩnh vực công thương, là tình trạng "cả họ làm quan", công chức nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nội vụ. 

Với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người đăng đàn sáng 8/11 thì ngay từ đầu phiên chất vấn hàng loạt vấn đề nóng trong quản lý báo chí và ứng xử với mạng xã hội đã được đặt ra. Như, giải pháp nào với các trang thông tin xấu độc để không bị động chỉ chạy theo xử lý hậu quả, trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao trước hiện tượng cơ quan báo chí bán kênh, bán phụ trương, bán giấy phép cho tư nhân, rồi tình trạng sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ (bài)....

Ngoài Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ba vị Bộ trưởng cùng đăng đàn kỳ này đều ít nhiều đã có kinh nghiệm trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuy kỳ họp này lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng cũng đã từng được mời "chia lửa" ở một số phiên chất vấn từ kỳ họp trước của Quốc hội khoá này.

Mỗi vị Bộ trưởng chỉ có 5 phút phát biểu trước khi nghe chất vấn từ đại biểu Quốc hội. Nhưng, Thủ tướng thì khác. Với ý nghĩa "báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan" phần trình bày nội dung được chuẩn bị sẵn của người đứng đầu Chính phủ sẽ được "ưu tiên" hơn, không bị chốt cứng về thời gian.

thủ tướng

Thủ tướng tại nghị trường

Thường thì trong báo cáo này, ngoài cập nhật một số thông tin về kinh tế, xã hội,  Thủ tướng sẽ trình bày sâu một số vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn các thành viên Chính phủ trước đó.

Thời gian còn lại (thường chưa đến một giờ) Thủ tướng sẽ chọn một số chất vấn trực tiếp để trả lời, bởi có rất nhiều đại biểu đăng ký chất vấn nhưng thời gian dành cho người trả lời lại rất ít.

Những chất vấn dành cho Thủ tướng có thể liên quan đến vấn đề mà đại biểu đã chất vấn bộ trưởng nhưng chưa nhận được trả lời thoả đáng, cũng có thể hoàn toàn chẳng có liên quan gì.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho biết, từ đầu kỳ họp này bà đã gửi chất vấn bằng văn bản đến Thủ tướng, song bà vẫn chuẩn bị nội dung để chất vấn trực tiếp.

Cụ thể đại biểu Thuý sẽ chất vấn về giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, khu vực có đóng góp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Giải pháp để tránh nguy cơ phụ thuộc, từ quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng là vấn đề được đại biểu Thuý chọn để chất vấn Thủ tướng.

Những vấn đề này không chỉ riêng bộ, ngành nào làm được, vì thế tôi chọn để chất vấn người đứng đầu Chính phủ, bà Thuý nói.

Đại biểu Thuý cũng cho rằng thời gian dành cho Thủ tướng chưa đến một giờ rưỡi là quá ít, nếu không thể được một ngày thì cũng nên dành một buổi để Thủ tướng có thể trả lời chất vấn trực tiếp nhiều hơn.

Vị đại biểu Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, việc chọn người lên "ghế nóng" không nên theo cách như hiện nay (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 5 vị để đại biểu chọn 4 người) mà nên để toàn bộ danh sách những người trong diện phải trả lời chất vấn trước Quốc hội để đại biểu lựa chọn, sau đó chọn các vị được nhiều đại biểu lựa chọn nhất trả lời chất vấn. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top