Cho rằng xuất khẩu 2020 sẽ khó khăn hơn, Chính phủ kiên trì trình Quốc hội chỉ tiêu nhập siêu, sau 4 năm liên tục xuất siêu.

Sáng 11/11, bước sang tuần làm việc thứ tư của kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trong số các chỉ tiêu được nêu tại nghị quyết này, có chỉ tiêu về nhập siêu.

Như VnEconomy đã thông tin, tại kỳ họp này dự kiến một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy không có sự thay đổi đáng kể so với năm nay: GDP tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, y như năm nay và cả ba năm trước nữa.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị làm rõ cơ sở của việc xác định chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phù hợp kết quả thực tế. 'Bởi trong 4 năm gần đây (2016-2019), Chính phủ đều trình Quốc hội tỷ lệ nhập siêu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng kết quả thực tế đều là xuất siêu.

Thảo luận tại tổ về hội trường cũng có ý kiến cho rằng, đề ra tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% năm 2020 là không sát với thực tế, bởi vì trong 4 năm gần đây, cán cân thương mại đều là xuất siêu.

Giải trình về chỉ tiêu "khó hiểu" này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, người thừa uỷ quyền Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ cho rằng, xuất siêu đạt được trong các năm qua do xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao, đạt bình quân 14,5% trong giai đoạn 2016- 2018, trong đó hai năm liền 2017 và 2018 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức tăng hai con số so với năm trước (21,8%  và 13,3%).

Tuy vậy, xét bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2020, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Lý do là kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, và tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc trong 2020. Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn.

Trên thực tế, những tác động này phần nào đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Lý do tiếp theo là xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đánh giá, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế. Kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tiếp theo, Bộ trưởng nêu lý do giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm. Việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ luỵ về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước của một số ngành đang được dần nâng cao nhưng nhìn chung vẫn phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu.

Hơn nữa, dự kiến sẽ có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2020 để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu cũng như do tác động của xung đột thương mại Mỹ - Trung, kéo kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu khoảng 8-10%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6-7% và dự báo nhập siêu trong năm 2020 nhưng lượng nhập siêu không lớn.

Do vậy, Bộ Công Thương đề xuất chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức dưới 3%. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top