Sáng ngày 23/11, tại Thành phố Đà Nẵng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 (VLF) đã chính thức khai mạc.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Hào - Phó tổng biên tập Thường trực Thời báo Kinh tế Việt Nam, chia sẻ, được khởi xướng từ năm 2013, Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan có liên quan duy trì tổ chức thường niên Diễn đàn Logistics Việt Nam.
Một hành trình 7 năm liên tiếp, Diễn đàn Logistics đã kiến tạo thành công một diễn đàn cấp quốc gia kết nối quốc tế, thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, địa phương hoạt động trong lĩnh vực Logistics, không ngừng thiết lập, củng cố và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan; tổ chức định kỳ các đoàn tham quan khảo sát tại nhiều quốc gia... Và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển Logistics đến năm 2025...
Đặt mục tiêu kỳ vọng "khơi thông dòng chảy logistics", VLF 2019 tiếp tục đề cập và bàn thảo những vấn đề chiến lược và thực tiễn của ngành Logistics Việt Nam trong mối tương quan với bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế và trước xu hướng phát triển của công nghệ số.
VLF sẽ tập trung phân tích và đề xuất giải pháp phát triển logistics hành lang kinh tế Đông tây, các mô hình kinh tế chia sẻ trong logistics và đặc biệt nhận diện và hiến kế các giải pháp có tính đột phá và thực tiễn nhằm thúc đẩy logistics nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Diễn đàn VLF 2019 cũng đặt mục tiêu tăng cường kết nối đa phương, kết nối chuỗi giá trị tạo nền tảng bền vững nâng cao giá trị đóng góp của Logistics trong GDP cả nước trong những năm tới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, logistics chính là chìa khoá nâng cao sự cạnh tranh của Việt Nam cũng như thúc đẩy tăng trưởng bao trùm.
Cũng theo ông Ousmane Dione, những năm gần đây Việt Nam đã cho thấy có nhưng tích cực, đặc biệt 2 thập kỷ qua chúng ta đã có những chính sách tốt cho người nông dân, lực lượng lao động chiếm 50% dân số Việt Nam. Cách đây 30 năm an ninh lương thực là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam nhưng đến nay hầu hết người dân đã có được nhu cầu tối thiểu. Tất nhiên không phải mọi thứ tự đến mà chúng ta phải hành động.
Đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra các trung tâm sản xuất mới. Tốc độ và cách thức đô thị hoá sẽ tác động đến nhu cầu sản phảm nông nghiệp và ảnh hưởng đến dòng luân chuyển sản phẩm nông nghiệp hiện nay. Trong bối cảnh thương mại hoá toàn cầu hiện nay thì Việt Nam phải gia tăng hơn, cải thiện tích cực để tăng thị phần trên thị trường khu vực và toàn cầu.
"Logistics sẽ cải thiện để giảm chi phí thương mại, duy trì, phát triển cơ sở hạ tầng có tính kết nối như xây dựng, đường, cảng, sân bay. Hiện đại hoá phương tện cơ giới để nâng cao chất lượng vận chuyển hàng hoá. Ngoài ra còn phải nâng cáo chất lượng quản lý hành chính công, đáng tiếc là Việt Nam đang gặp phải những hạn chế này. Việt Nam xếp 104 trong 190 quốc gia về báo cáo môi trường kinh doanh mới đây khi đề cập về hàng hóa qua biên giới...", ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Ông Ousmane Dione đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam lưu ý, nông sản rất dễ hư hỏng, nhạy cảm mạnh với thời gian thông quan. Do đó phải hiện đại hoá các hoạt động kiểm soát hàng hoá qua biên giới bằng công nghệ đột phá. Một số các quốc gia đã sử dụng các công nghệ như blockchain, internet vạn vật... "Tôi biết rẳng Việt Nam cũng đã nổ lực cải thiện, đơn giản hoá thủ tục thương mại qua biên giới và sử dụng công nghệ là biện pháp quan trọng nhất để giúp Việt Nam có thể cải thiện hơn nữa. Tuy nhiên sự phối hợp của cơ quan trung ương với địa phương mới là quan trọng. Do đó cần có cơ chế điều phối, phối hợp để cộng tác hiệu quả hơn".
Ảnh: Việt Tuấn.
Về phía doanh nghiệp, bà Minh Phương, Tổng giám đốc MP logistics bày tỏ hy vọng, tại VLF 2019 các doanh nghiệp ngành logistics sẽ cùng bắt tay, kết nối, chia sẻ nguồn hàng để cùng nhau phát triển.
Ông Vũ Đức Thịnh, Tổng giám đốc Ladaza Express cũng cho rằng, qua VLF 2019 chúng tôi hy vọng kết nối thêm nhiều đối tác và các đối tác cùng tham gia quá trình vận hành hệ thống của chúng tôi thông quan các hoạt động hợp tác về vận chuyển, kho bãi...
Tại VLF 2019, nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với doanh nghiệp cung ứng nông sản của Việt Nam. Đại diện Công ty China Singapor cho biết; "Chúng tôi đã vào Việt Nam được một thời gian và mong muốn có thêm đối tác cung ứng nông sản tại Việt Nam do nhu cầu hàng hoá của chúng tôi đang tăng mạnh...".
Ảnh: Việt Tuấn.
Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp nước ngoài như Công ty China Singapor tìm đến VLF 2019 là rất hợp lý, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản. Ông Khoa nhấn mạnh: "VFL 2019 tập trung hầu hết các doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Việt Nam cũng như các nhà cung cấp nguồn hàng nông sản do đó đây là cơ hội để các bên tìm đến nhau".
Post a Comment