GDP năm 2020 tăng khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, theo giải thích của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Với đa số phiếu thuận, sáng 11/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trong mục tiêu tổng quát của năm sau, đặt lên hàng đầu vẫn là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mục tiêu tổng quát cũng thể hiện rõ yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
GDP tăng khoảng 6,8% là hợp lý
Quốc hội cũng đã quyết định 12 chỉ tiêu cho năm sau, theo đó GDP, CPI, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu đều không cao hơn 2019.
Về GDP, Chính phủ đề xuất tăng khoảng 6,8% (2019 chỉ tiêu này là 6,6-6,8%).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế.
Từ đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý.
Mức tăng này bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phản hồi một số ý kiến đề nghị cân nhắc lại cách tính chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo tiếp tục giảm tốc. Xung đột thương mại giữa các nước đang xuất hiện nhiều hơn, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn thách thức; cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản ngày càng mạnh mẽ; năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp hỗ trợ đã cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, giá các mặt hàng nông, thủy sản đang trong xu hướng giảm, hoạt động sản xuất, chế biến của một số ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu; xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư nước ngoài để đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại Việt Nam-châu Âu (EVFTA) có thể dẫn đến kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu tăng cao.
Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ nhập siêu, xin Quốc hội cho giữ mục tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% để phấn đấu thực hiện.
Đây cũng chính là nội dung đã được Chính phủ gửi báo cáo riêng để giải trình về việc bốn năm liền xuất siêu, 2020 lại dự kiến nhập siêu.
Khuyến khích tư nhân tham gia các dự án lớn
Phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm sau, nghị quyết nêu rõ yêu cầu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế. Kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật và các thiết chế, cơ chế liên quan đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ yêu cầu đổi mới cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, phát triển đồng bộ các loại thị trường, tiếp tục khơi thông và tạo ra những động lực tăng trưởng mới, tập trung giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân. Khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn.
Đánh giá việc thực hiện Luật Thống kê; nghiên cứu, xây dựng các hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội phù hợp cho giai đoạn 2021-2025, cũng là nhiệm vụ được nêu tại nghi quyết.
Quốc hội cũng yêu cầu theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện kiểm kê việc quản lý, sử dụng quỹ đất đai toàn quốc; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong công tác quản lý đất đai; rà soát thực trạng, xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tiếp tục quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, tài sản công. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán. Thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với giá điện và giá các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, y tế...
Tại nghị quyết, thêm một lần Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng. Phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2020
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%;
2. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%;
3. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%;
4. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;
5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP;
6. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%;
7. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%;
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%;
9. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh;
10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%;
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%;
12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
(Nguồn: Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được Quốc hội thông qua sáng 11/11).
Post a Comment