Với bối cảnh giai đoạn 2016 - 2020, một trong những lưu ý từ cơ quan thẩm tra với Chính phủ là an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa khi nợ công đã sắp đến mức trần cho phép - Minh họa: Khều.

Xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm 2016 0 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội mức chi trả nợ của ngân sách nhà nước (không bao gồm chi trả nợ gốc) là 8,8%.

Nhưng, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị bố trí lên 15%, tức cao gần gấp đôi.

Đề nghị này được đưa ra đồng thời với quan điểm cần giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ 63,8% theo tính toán của Chính phủ xuống 58- 60%.

“Như đi trên dây”

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng cần tính toán lại bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, bảo đảm bình quân khoảng 4%GDP, giảm dần đến năm 2020, phấn đấu từ năm 2021 là dưới 3%GDP tính theo tiêu chí mới (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ và không bao gồm trả nợ gốc). Phấn đấu bội chi giảm dần mỗi năm khoảng 0,2% - 0,3% GDP. 

Rất thông cảm với tình thế điều hành ngân sách “như đi trên dây” theo lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên thảo luận chiều 7/3 ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, song quan điểm của cơ quan giúp Quốc hội “gác cửa” túi tiền eo hẹp của quốc gia vẫn khá cứng rắn.

Bởi, nhìn tổng thể cơ chế điều hành ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đánh giá một số nguyên tắc đề ra trong Luật Ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội chưa được đảm bảo, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, còn nhiều khoản chi vượt dự toán khá lớn, còn tình trạng ứng trước dự toán, sử dụng dự phòng chưa đúng quy định, chuyển nguồn còn lớn. 

Qua kết quả kiểm toán cho thấy, việc chi tiêu lãng phí, kém hiệu quả, phô trương hình thức và sai chế độ còn diễn ra khá phổ biến với các mức độ khác nhau ở một số bộ, ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp nhà nước..

Vể bội chi, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh con số 5,63% GDP vẫn ở mức cao và không đạt mục tiêu đề ra là 4,5% GDP vàp năm 2015.

Một phần bội chi đã phải sử dụng cân đối cho trả nợ gốc, thể hiện cân đối ngân sách chưa chắc chắn, Uỷ ban thẩm tra lo lắng.

Sắp đến mức trần

Riêng về nợ công, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng không thể bình chân trước tốc độ tăng bình quân đến 20%/năm trong thời gian qua. Nợ Chính phủ là 50,3%GDP, đã vượt mức trần cho phép, nếu tính cả các khoản nợ khác của ngân sách nhà nước thì còn có thể cao hơn, Chủ nhiệm Hiển phân tích.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, nếu xét về cơ cấu, nợ vay trong nước tăng nhanh so với giai đoạn trước, bình quân tăng 29%/năm, tỷ trọng vốn vay kỳ hạn ngắn cao nên ngân sách nhà nước mới bố trí đủ chi trả nợ lãi, chi trả nợ gốc ở mức thấp, khiến phải vay đảo nợ, gây lúng túng, bị động trong điều hành ngân sách. 

Đối với nợ nước ngoài, cơ quan thẩm tra nhìn nhận, trong những năm gần đây có xu hướng tăng vay nợ nước ngoài, trong đó có nhiều khoản nợ có thời hạn vay ngắn hơn, lãi suất và chi phí vay tăng. Điều này đồng nghĩa với việc độ rủi ro đối với các khoản nợ vay nước ngoài tăng cao khi có biến động về tỷ giá, giá trị của đồng ngoại tệ tăng…

Đáng chú ý, qua giám sát thực tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc sử dụng vốn vay còn dàn trải, hiệu quả thấp; dự án phê duyệt, điều chỉnh tổng mức, điều chỉnh hợp đồng còn khá phổ biến,tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập. Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương.

Với bối cảnh giai đoạn 2016 - 2020, một trong những lưu ý từ cơ quan thẩm tra với Chính phủ là an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa khi nợ công đã sắp đến mức trần cho phép.

Và mục tiêu tổng quát của kế hoạch tài chính 2016 - 2020 theo cơ quan thẩm tra là phải thể hiện rõ nội dung giảm dần bội chi để bảo đảm an toàn nợ công và từng bước lành mạnh hóa nền  tài chính quốc gia.

Với các mức thu được nâng cao hơn theo dự kiến của Chính phủ, Uỷ ban Tài chinh Ngân sách cho rằng cần tính toán lại tỷ lệ chi ngân sách/GDP cho phù hợp, trong đó có việc bố trí tăng chi trả nợ như đã nói ở trên.

Post a Comment

 
Top