– Trung Quốc đang đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan: đồng NDT giảm giá và tốc độ giảm dường như vượt ngoài tầm kiểm soát. Nó đang gây ra rất nhiều rủi ro cho Trung Quốc, từ việc dòng vốn tháo chạy khỏi nước này cho tới những rủi ro tiềm tàng trong quan hệ với các nước.
Diễn biến không ngờ
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa công bố số liệu cho thấy dự trữ ngoại hối nước này trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 năm qua.
Lần đầu tiên kể từ tháng 3/2011, dự trữ ngoại hối xuống sát ngưỡng 3.050 tỷ USD sau khi “bốc hơi” mất gần 70 tỷ USD. Ngưỡng tâm lý 3.000 tỷ USD có thể cứ điểm mà PBoC sẽ cố gắng giữ vững.
Tuy nhiên, điều này có vẻ như không hề dễ dàng. Trung Quốc đang rơi vào một tình cảnh hết sức khó khăn, tiến thoái lưỡng nan. Dường như những toan tính của các cơ quan quản lý nước này đã không có kết quả như mong muốn. Hơn thế, tình hình trong nước cũng như thế giới có thể sẽ còn diễn biến khôn lường sau những tuyên bố của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trung Quốc, thâu tóm thế giới, chủ nợ thế giới, thị trường tài chính, nhân dân tệ, giấc mơ toàn cầu, thị trường vàng, thị trường chứng khoán, Hiệp định TPP, thương mại tự do, mậu dịch tự do, Donald Trump, chính sách thương mại Mỹ, Tập Cận Bình, Barack Oba
Trung Quốc đối mặt với tình trạng đồng NDT giảm giá mạnh.
Liên tục trong 5 tháng vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm. Đáng chú ý là mức giảm luôn vượt dự báo của các chuyên gia, nhà kinh tế trong và ngoài nước.
Trong khi đó, đồng NDT gần đây đã xuống mức thấp nhất trong tám năm so với USD. Tỷ giá trung tâm của đồng NDT đã vượt qua ngưỡng 6,9 NDT đổi 1 USD. Tính từ đầu 2016 tới nay, đồng NDT đã giảm khoảng 5-6% sau khi đã tụt giảm ở mức tương tự trong vòng hơn 4 tháng cuối 2015, từ sau cú sốc tháng 8/2015, khi NHTW Trung Quốc đưa cơ chế quản lý đồng NDT chuyển từ neo buộc sang thả nổi có điều chỉnh so với đồng USD của Mỹ.
Theo PBOC, quyết định thay đổi cách định giá đồng NDT hàng ngày là một cải cách mang tính thị trường. Nhưng trên thực tế, rất nhiều người nghi ngờ điều này.
Tốc độ giảm giá dần đều trong hơn 11 tháng năm 2016 là điều trái hoàn toàn với những lời trấn an của chính quyền Trung Quốc. Trước đó, từ 2015, các chuyên gia quốc tế đã dự báo Trung Quốc có thể phá giá đồng NDT khoảng 10% như là một biện pháp để kích thích kinh tế và đó sẽ sự mở đầu cho cuộc chiến tiền tệ tại châu Á. Trên thực tế, đồng NDT đã giảm và còn giảm mạnh hơn. Trong khi đó, kinh tế TQ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.
Hiện tại, những tín hiệu trên thị trường cho thấy, giới đầu tư vẫn đua nhau đặt cược đồng NDT còn giảm giá sâu hơn trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của nước này tụt giảm và tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ có những biện pháp mạnh tay với Trung Quốc.
Gần đây, ông Donald Trump thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nội tệ và tuyên bố sẽ dán nhãn Trung Quốc làm giá đồng NDT ngay trong ngày làm việc đầu tiên.
Công cụ tỷ giá: con dao 2 lưỡi
Suy giảm tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây là một trong những điều mà Trung Quốc lo ngại nhất. Hàng hóa sản xuất trong nước dư thừa như sắt thép, sự mất ổn định việc làm của người lao động,… khiến nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ hạ cánh cứng và tình trạng bất ổn xã hội có thể xảy ra.
Trung Quốc, thâu tóm thế giới, chủ nợ thế giới, thị trường tài chính, nhân dân tệ, giấc mơ toàn cầu, thị trường vàng, thị trường chứng khoán, Hiệp định TPP, thương mại tự do, mậu dịch tự do, Donald Trump, chính sách thương mại Mỹ, Tập Cận Bình, Barack Oba
Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Nhiều nhà phân tích nhìn thấy một động cơ khác của Trung Quốc sau hiện tượng đồng NDT giảm mạnh. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp khó khăn và một đồng NDT yếu có thể giúp Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu. Việc phá giá đồng tiền là một trong những cách nhanh nhất để hồi sinh các nhà máy trong nước.
Thực tế cho thấy, đồng NDT đã giảm mạnh và giảm đều đặn trong năm 2016, trừ những khoảng thời gian ngắn trước và sau khi IMF chọn đồng tiền này vào rổ tiền tệ quốc tế. Kinh tế Trung Quốc quý 3 năm 2016 chỉ tăng khoảng 6,7%. Trong cả năm 2015, kinh tế Trung Quốc tăng 6,9%, mức tăng chậm nhất trong 25 năm và thua xa mức bình quân 10% trong suốt thời kỳ từ năm 1980 đến 2012.
Gần đây, một số chuyên gia còn cho rằng, trong năm 2017, Trung Quốc có thể còn tạo gói kích thích tài chính, tiền tệ khổng lồ để kích thích tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển một nền kinh tế từ phụ thuộc vào công nghiệp, xuất khẩu và cơ sở hạ tầng sang dịch vụ và tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện tượng dự trữ ngoại hối tụt giảm xuống mức thấp kỷ lục nhiều năm qua lại cho thấy một điều rằng: Trung Quốc đang thực sự lo lắng và tìm cách ngăn chặn đà giảm giá quá mạnh của đồng NDT, nhất là trong bối cảnh đồng USD đang tăng vọt.
Đồng NDT mất giá đã khiến dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc tăng mạnh hơn bao giờ hết. Thâm hụt cán cân thánh toán tính tới cuối quý 3 đã lên tới gần 470 tỷ USD. Hiện tượng chảy vốn ra nước ngoài đã bắt đầu xảy ra từ 4 năm qua và được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong năm 2017. Đây sẽ là vấn đề nhức nhối nhất đối với chính quyền Bắc Kinh.
Có thể thấy, sau nhiều thập kỷ phát triển dữ dội, Trung Quốc đã tích trữ được một lượng ngoại hối khổng lồ, đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc lại đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ.
Tốc độ giảm giá đồng NDT dường như vượt ngoài tầm kiểm soát. Nó đang gây ra rất nhiều rủi ro cho Trung Quốc, từ việc dòng vốn tháo chạy khỏi nước này cho tới những rủi ro tiềm tàng trong quan hệ với các nước.
V. Minh / vietnamnet
Post a Comment