Lãnh đạo Bộ GTVT – Thứ trưởng Nguyễn Nhật, đã tái khẳng định sẽ tiếp tục thu phí ở Trạm BOT Cai Lậy và kêu gọi người dân ủng hộ…
Ủng hộ thế nào, khi quyền lợi của dân chưa thấy rõ. Nói là được đi đường tốt, thế bao nông dân ở vùng sâu vùng xa tận Cà Mau, Kiên Giang có bao giờ đi qua đâu, vẫn phải è cổ gánh phí vì tiền qua Trạm BOT Cai Lậy đã tính cả vào tiền vận chuyển những gói mì, thùng sữa, viên thuốc uống chữa bệnh…
Còn những tài xế qua lại hằng ngày, nhiều người không đi vào đường tránh nhưng vẫn đóng phí. Còn nói hơn 26km trải nhựa trên quốc lộ 1 mà chủ đầu tư BOT Cai Lậy làm, đúng ra nhà nước phải làm, từ nguồn thu phí đường bộ mà các tài xế đóng hằng năm. Giờ bắt họ è cổ chịu phí?
Giữa người bán và người mua, ít khi nào có chung mong muốn. Người bán chỉ muốn bán nhiều, bán giá cao, để lãi lớn. Còn người mua, chỉ muốn hàng chất lượng tốt, giá rẻ. BOT Cai Lậy và người dân cũng vậy! Việc dùng các lực lượng cảnh sát đông đảo ở BOT Cai Lậy trong lúc hai bên giao dịch mua bán là không cần thiết.
Các PV có mặt từ sáng sớm 30.11- ngay khi Trạm Cai Lậy chưa bắt đầu tái thu phí trở lại, cho đến giờ, chưa hề chứng kiến trường hợp nào tài xế lái xe vào làn thu phí rồi… bỏ đi chơi, nhằm gây ùn tắc như Thứ trưởng Nguyễn Nhật được báo cáo, rồi “cáo buộc” lại như vậy.
Họ chỉ phản ứng rất đúng luật, đó là trả tiền lẻ, đòi những tờ tiền thối lại 100 đồng mà Việt Nam vẫn cho phép lưu hành. Chủ trương BOT là đúng, nhưng ở Cai Lậy, các tài xế cho rằng sai về vị trí trạm, sai khi không hề có con đường thứ 2 để lựa chọn như nguyên tắc lập dự án BOT, nên họ phản ứng.
Lòng dân thế nào? Nói thẳng, họ không chấp nhận có công ty tự dưng “cướp đường”, trải lớp thảm nhựa đơn sơ, rồi lập chốt chặn đường thu tiền. Hãy cứ xuống tận nơi, xem nét mặt người dân hân hoan thế nào khi xả trạm, xe qua không trả phí. Hãy xem họ vẫy tay nhau mừng rỡ thế nào, khi đường quốc lộ 1 được trả lại sự thông thoáng nhờ xả trạm…
Nếu ai đó cứ đi ngược lòng dân: kiên quyết trấn áp, chặn quốc lộ 1 để thu phí như cách mà BOT Cai Lậy đang làm, quyết lấy tiền dân để đảm bảo đồng lời của doanh nghiệp, người dân sẽ bị tổn thương, lòng tin của người dân sẽ suy giảm!
Và nếu BOT Cai Lậy cứ bất chấp tất cả để đương đầu với dân? Trạm BOT này chỉ hơn 100 người. 100 cái đầu liệu có “đối phó” mãi được với lòng dân đang bức xúc hay không? Trạm nghĩ ra cách gì, thì dân sẽ nghĩ ra hàng chục cách khác để “chiến đấu”.
Bộ GTVT có thể “mua” lại trạm thu phí này, để đảm bảo quyền lợi cho dân như chính phủ ở tất cả các quốc gia đang làm? Vì sao tượng đài nghỉn tỉ, như tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng 1.543 tỉ đồng ở Ninh Bình còn làm được, mà dự án tuyến tránh Cai Lậy chỉ hơn 1.300 tỉ đồng, lại chào thua vì không tiền?
Tượng đài nghìn tỉ vẫn xây được, dù chưa biết chính xác có bao nhiêu người dân mong muốn. Thế nhưng, dẹp trạm BOT Cai Lậy, hàng triệu người miền Tây Nam Bộ – những người dân đang mong muốn, sao lại không làm được?
Hồ Hùng
Một Thế Giới
Post a Comment