Sáng 14/12, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng trên 166 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường thiệt hại (ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả) cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án này.

Nhưng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận, nội dung Chính phủ trình không thuộc thẩm quyền của Thường vụ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ra về. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình tờ trình về việc ban hành nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Thuyết minh sự cần thiết, Chính phủ cho biết, nhằm giảm gánh nặng chi phí phải đóng góp của người nông dân, Chính phủ đã thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí cho người dân từ năm 2008 đến năm 2016..

Ngày 1/1/2017, Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 chính thức có hiệu lực, trong đó thủy lợi phí là một trong 17 loại phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, Luật Giá không quy định cơ chế miễn hoặc hỗ trợ giá cho bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào. Các chính sách này mới được cụ thể hóa tại điều 36 Luật Thủy lợi nhưng hiện nay chưa có hiệu lực thi hành (bắt đầu từ 1/7/2018).

Do vậy, từ ngày 1/1/2017, chính sách miễn thủy lợi phí hết hiệu lực, các đối tượng được hưởng chính sách miễn thủy lợi phí như trước đây về nguyên tắc sẽ không tiếp tục được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước. Hàng triệu nông dân trên cả nước sẽ là một trong các đối tượng phải đóng tiền sử dụng nước từ các hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. 

Các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng vì vậy mà gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thu chi, cấp phát tài chính doanh nghiệp. Nhiều địa phương hiện nay mới chỉ thực hiện tạm ứng, cấp phát cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Để kịp thời hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất nông nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi bảo đảm kinh phí hoạt động trong thời gian chuyển tiếp đến khi Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là cấp thiết, theo Chính phủ.

Tuy nhiên, thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng chính sách hỗ trợ kinh phí sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không được quy định trong Luật Giá, nên việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về vấn đề này là không phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng mặc dù Luật Phí và lệ phí đã loại bỏ thủy lợi phí ra khỏi danh mục phí và lệ phí trong khi chưa có quy định khác về việc miễn, giảm dịch vụ, sản phẩm công ích thủy lợi, nhưng Chính phủ vẫn bố trí dự toán năm 2017 và kế hoạch tài chính trung hạn để thực hiện chính sách này là chưa phù hợp. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan rút kinh nghiệm.

Phần thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi nhằm hỗ trợ cho người nông dân ổn định sản xuất nông nghiệp. Nhưng xử lý vấn đề Chính phủ trình thế nào cho thấu tình đạt lý lại rất khó, được tranh luận sôi nổi.

Cuối cùng, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không ra nghị quyết về nội dung Chính phủ đề xuất, mà giao Chính phủ ban hành nghị định dựa trên Luật Giá, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Thủy lợi hiện hành để quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong 18 tháng, có hiệu lực hồi tố về trước thời điểm 1/7/2018 (thời điểm Luật Thủy lợi mới có hiệu lực thi hành).

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là chính sách quan trọng, chuyển tiếp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trước khi ban hành nghị định thì báo cáo Thường vụ về phạm vi, đối tượng, chính sách cụ thể tại phiên họp gần nhất. Chính phủ có thể áp dụng thủ tục rút gọn khi xây dựng nghị định, cố gắng trình Thường vụ tại phiên họp được tổ chức vào tháng 1/2018.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top