Lãnh đạo các hiệp hội, Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia chỉ ra thách thức và tiềm năng phát triển cho ngành logistics Việt Nam tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017. Sự kiện do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.
Chi phí logistics Việt Nam cao hơn các quốc gia trong khu vực
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho hay, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng Thế giới 2014, Việt Nam xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Số lượng doanh nghiệp logistics ước tính khoảng trên 3.000 doanh nghiệp. Quy mô vốn, đa số trên 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 7% là vốn trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Hiệp cho rằng, ngành logistics Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức như quy mô và hoạt động còn yếu và thiếu, đặc biệt trong lĩnh vực quốc tế. Quản lý hoạt động chủ yếu trên đất nước Việt Nam, ít công ty mạnh dạn đầu tư mở văn phòng nước ngoài, nếu có thì số lượng đếm trên đầu ngón tay như Myanmar, Campuchia. Còn tại các quốc gia phát triển loigstics như Singapore, Thái Lan thì hiếm có doanh nghiệp Việt Nam.
Loại hình dịch vụ cung cấp, qua hơn 10 năm phát triển, các doanh nghiệp phát triển tương đối tốt như kho bãi, kiểm hàng, các dịch vụ thuộc contaner. Nhưng còn yếu về vận tải như đường biển, hàng không.
Thách thức nữa là chi phí logistics cao, chiếm 20,8% GDP, tương đương 41,26 tỷ USD. "Có thể là cao nhất khu vực, cao hơn Campuchia, Myanmar, đặc biệt, cao hơn Thái Lan 16%. Trong khi đó, ở các nước phát triển từ 9-14%" - vị này nói.
Mỗi năm, ngành này cần 20.000 nhân lực và đến năm 2020 dự kiến cần 200.000 nhân lực. "Đây là thách thức với ngành logistics Việt Nam", ông Hiệp nói và cho biết thêm, kết cấu hạ tầng logistics chưa đồng bộ, vẫn bị tình trạng tắc nghẽn, phụ phí thuộc vận tải hàng không, đường biển đều cao.
Rào cản do con người tạo ra, có quyết tâm là làm được
Ông Phạm Minh Đức, Chuyên gia kinh tế của World Bank nhận định, thành công trước đây của Việt Nam chủ yếu dựa vào giảm chi phí, cắt giảm thuế quan tuy nhiên đến nay đã đạt giới hạn. Để duy trì thành công cần tập trung vào giảm chi phí thuế quan, gồm chi phí tuân thủ hành chính trước và tại cửa khẩu và chi phí logistics.
Chi phí thuế quan của Việt Nam hiện đang cao so với trung bình của ASEAN, bằng các thực hiện một chương trình 4 trụ cột bao gồm: Thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại bằng cách đơn giản quy định hải quan, quản lý chuyên ngành; Nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối; Xây dựng ngành logistics có tính cạnh tranh; Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác với khu vực tư nhân.
Ông Đức khẳng định WorldBank sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đưa các vấn đề tạo thuận lợi thương mại, logistics và năng lực cạnh tranh thương mại thành trọng tâm, chiến lược phát triển quốc gia.
"Thuế quan trung bình của Việt Nam đã giảm rất nhiều từ 1994 đến 2015. Tuy nhiên, chi phí thuế quan vẫn cao hơn rất nhiều so với mức trung bình ASEAN, do đó còn rất nhiều dư địa để cải cách, tăng trưởng kinh tế.
Có làm được không, tôi tin là làm được, tất cả rào cản do con người tạo ra thì quyết tâm có thể phá bỏ được", ông Đức nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, có một loại chi phí không rõ ràng, liên quan đến các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.
"Phần mềm của chi phí thương mại phi thuế quan - thời gian tuân thủ thủ tục hành chính trước và tại cửa khẩu - chiếm 76% thời gian nhập khẩu do hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành chịu trách nhiệm.
Việt Nam có quá nhiều quy tắc dẫn đến chi phí thương mại cao, gấp đôi so với nhiều nước khác", ông Đức nói và cho tằng để giảm chi phí phải cắt giảm các thủ tục hành chính, thiết lập một cơ chế hữu hiệu để đảm bảo trách nhiệm giải trình của hải quan và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Đưa vào sử dụng công thông tin điện tử minh bạch, áp dụng cơ chế một cửa quốc gia….
Thông tin thêm tại Diễn đàn, ông Lê Duy Hiệp cho hay, để phát triển logistics Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 thông qua Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
"Đây là lần đầu tiên nước ta có một kế hoạch hành động logistics quốc gia toàn diện và là nội dung, động lực cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo đó, Quyết định 200 đã đề ra 60 nhiệm vụ cụ thể trên 4 nội dung của hệ thống logistics Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt từ 50 trở lên.
Post a Comment