Nhất trí có thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương song chọn ngày nào thì đại biểu Quốc hội còn có ý kiến  khác nhau.

Báo cáo những vấn đề lớn của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) ngày 23/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) Đào Ngọc Dung đã xin rút đề xuất tăng thêm một ngày nghỉ có hưởng lương là ngày 27/7 hằng năm sau khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường tại  ỳ họp 7 về dự án bộ luật và đề nghị "giữ nguyên số ngày nghỉ lễ như hiện nay, không đề xuất thêm ngày nghỉ".

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo Bộ luật và kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị bổ sung quy định về việc tăng thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động và chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6). 

Do đó, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hai phương án: phương án 1 không bổ sung ngày nghỉ lễ.

Phương án 2: bổ sung một ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và chọn ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch).

Phương án hai được nhiều đại biểu đồng tình, một số vị có thêm đề xuất khác.

Đồng ý chọn ngày 28/6, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề xuất nghỉ thêm ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, là ngày 5/9 dương lịch. Ngày 5/9 là ngày rất có ý nghĩa đối với các cháu, nhiều cháu đến trường rất thiệt thòi và bố mẹ cũng rất tủi thân vì không được đưa con đến trường bởi phải đi làm, ông Tiến nêu lý do.

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hoà Bình) thì đề nghị tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh mùng 2/9 hoặc là ngày nghỉ Tết dương lịch.

Theo đại biểu Bùi Như Hiệp (Thừa Thiên - Huế) thì nên chăng bố trí thêm ngày nghỉ ghép vào ngày Quốc khánh hoặc Tết Dương lịch, như ngày 31/12 và ngày 1/1 dương lịch, như vậy người lao động có thời gian dài hơn để nghỉ ngơi cũng như đi du lịch hoặc tái tạo sức lao động làm tăng các dịch vụ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) đề nghị tăng 3 ngày nghỉ trong năm, đó là ngày Gia đình Việt Nam, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và thêm một ngày nghỉ vào tết dương lịch.

Bà Thuỷ phân tích, Quốc tế hiện nay nghỉ rất nhiều, nhưng đối với Việt Nam ngày nghỉ lễ, Tết cũng còn ít. Đại biểu này cho rằng rất đáng tiếc khi trong dự thảo luật lần này chỉ đưa vào tăng thêm 1 ngày nghỉ.

Quan điểm của đại biểu là nếu được thì nên theo phương án đã trình trước đây tại kỳ họp thứ 7, đó là tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm: ngày Gia đình Việt Nam, ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và thêm một ngày nghỉ vào  dịp Tết dương lịch. Còn nếu như không được 3 ngày thì cũng nên quy định nghỉ thêm 2 ngày, đó là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, và thêm 1 ngày dịp nghỉ Tết dương lịch.

Ngày nghỉ Tết dương lịch cũng là ngày sum họp gia đình và cũng phù hợp với Quốc tế. Hiện nay, chúng ta nghỉ Tết dương lịch chỉ có 1 ngày, nếu chúng ta tăng thêm được 1 ngày nữa thì cũng đồng nghĩa với ngày sum họp gia đình, sau 1 năm lao động hết sức vất vả, đại biểu Thuỷ nói. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top