Ngày 8/11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng phái đoàn đoàn gồm các quan chức chính phủ và giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Mỹ đã chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ là một phần của nhiệm vụ thương mại lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các điểm dừng ở Bangkok, Thái Lan và Jakarta, Indonesia.
Ký kết nhiều thỏa thuận kinh doanh quan trọng
Bộ trưởng Ross và các đại biểu doanh nghiệp đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp hội Thương mại Mỹ và các bên liên quan khác trong khu vực công - tư của Việt Nam để thảo luận về hợp tác thương mại và đầu tư Mỹ - Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, y tế, vận tải và đô thị thông minh.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp chiều 8/11 - Ảnh: VGP.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết, trong phái đoàn lần này có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, "chứng tỏ họ rất quan tâm thị trường Việt Nam đầy tiềm năng và chúng ta cần tận dụng cơ hội này".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cùng các quan chức hai nước chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận kinh doanh và biên bản ghi nhớ - Ảnh: VGP.
Ông Ross cho biết Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch tổ chức một đoàn doanh nghiệp đến Việt Nam để tìm cơ hội thúc đẩy về hợp tác năng lượng vào tháng 3/2020. Đây là cơ hội tốt để hai bên thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này.
Bộ trưởng Ross và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết 5 thỏa thuận kinh doanh lớn cùng các biên bản ghi nhớ (MOU) giúp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác thương mại Mỹ - Việt Nam.
Đáng chú ý có biên bản ghi nhớ của Công ty AES với Bộ Công Thương nhằm củng cố hợp tác trong dự án Nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2. Đây là dự án đầu tư 1,7 tỷ USD được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2019. Cùng với kho cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ trị giá 1,4 tỷ USD, nhà máy này có tổng vốn đầu tư gần 3,1 tỷ USD, dự kiến bắt đầu hoạt động thương mại vào năm 2024.
Tại buổi lễ, Vietnam Airlines đã ký kết hai thoả thuận về bảo trì động cơ trong nhiều năm với công ty Pratt&Whitney trị giá khoảng 1 tỷ USD và một thoả thuận trị giá nhiều triệu USD với công ty Sabre Airline Solutions.
Các thỏa thuận còn lại bao gồm biên bản ghi nhớ giữa công ty Varian Medical Systems, có trụ sở tại California, và Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế Quốc gia; hợp đồng giữa công ty Murphy Oil với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam); PVEP và SK Innovations.
Hướng tới thương mại tự do, công bằng và tương xứng
Tối 8/11, trong bài phát biểu tại bữa tiệc do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) tổ chức, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đánh giá cao sự ghi nhận từ lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đối với những mối quan tâm của doanh nghiệp Mỹ. Ông cho biết đoàn doanh nghiệp Mỹ đã có cơ hội giao lưu và kết nối với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam, hiểu hơn về những lĩnh vực đang phát triển tại Việt Nam và cách thức để cùng nhau thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam.
Ông Wilbur Ross phát biểu tại sự kiện của Amcham tối 8/11 - Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Ross cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. "Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 110 triệu USD mỗi ngày. Đây là điều không bền vững và khó chấp nhận", ông Ross nói.
"Đội ngũ của tôi sẽ tiếp tục theo sát và đánh giá những bước tiến của Việt Nam hướng đến thương mại tự do, công bằng và tương xứng và chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn bằng mọi cách có thể", Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết. "Tôi tin chắc chuyến đi này sẽ mang lại trái ngọt cho mối quan hệ thương mại, kinh tế và an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Chuyến đi cũng sẽ mang đến những cơ hội mới cho các công ty Việt Nam".
Post a Comment