Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 6,5 – 7%, tổng GDP theo giá thực tế 5 năm đạt khoảng 30.621 – 31.487 nghìn tỷ đồng, Chính phủ báo cáo dự báo các cân đối lớn của kế hoạch 5 năm tới tại phiên họp sáng 7/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Dự báo tiếp theo được đưa ra tại báo cáo là tổng quỹ tiêu dùng đạt khoảng 22.530 – 23.095 tỷ đồng, tổng quỹ tích luỹ đạt khoảng 8.996 – 9.385 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ tiết kiệm nội địa trên GDP đến năm 2020 đạt khoảng 25,4 – 25,7%.
Bên cạnh tích luỹ và tiêu dùng, báo cáo đưa ra các cân đối vốn đầu tư phát triển, cân đối ngân sách nhà nước và cân đối nguồn điện.
Gần 400 nghìn tỷ vốn tín dụng cho đầu tư phát triển
Theo Chính phủ, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,5-7% và thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn, đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn vốn.
Chính phủ dự kiến, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 theo giá thực tế dự kiến khoảng 9.744 – 10.676 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32 – 34% GDP.
Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước dự kiến 2.106 tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến khoảng 375 – 395 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được dự kiến khoảng 1.180 – 1.341 nghìn tỷ đồng còn vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân dự kiến 4.388 – 5065 nghìn tỷ đồng.
1.583 – 1.639 nghìn tỷ đồng là con số được dự kiến cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và các nguồn vốn khác dự kiến khoảng 112 – 129.8 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi trong 5 năm dự kiến ký kết khoảng 20 – 25 tỷ USD.
Thu nội địa tối thiểu gấp hai lần
Chính phủ cũng dự kiến tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 21,8% GDP, trong đó huy động từ thuế và phí khoảng 20,2% GDP. Quy mô thu ngân sách nhà nước giai đoạn này gấp khoảng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, trong đó quy mô thu nội địa (chưa bao gồm thu từ sử dụng đất) tối thiểu gấp 2 lần; đồng thời nâng dần tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước.
Cơ cấu thu dự kiến sẽ chuyển dịch theo hướng tỷ trọng các nguồn thu nội địa tăng lên cùng với quá trình nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế; tỷ trọng thu từ dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm xuống.
Với quy mô chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt 25,7% GDP, báo cáo nêu dự báo quy mô chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 gấp trên 1,5 lần so với giai đoạn 2011-2015.
Định hướng của Chính phủ là tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách phục vụ cho mục tiêu duy trì đà phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội trong tình hình mới, tiết kiệm chi thường xuyên. Ngoài ra sử dụng một phần nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục,…
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm 30% tổng chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước tính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 còn khoảng 4% GDP.
Trên cơ sở cân đối thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, dự kiến nợ công không vượt quá 65% GDP, nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP, báo cáo nêu rõ.
Không lo thiếu điện
Trong giai đoạn 2016-2020 căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7%, Chính phủ dự kiến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng trưởng bình quân 10,6%/năm.
Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2020, ngành điện dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành 21.870 MW. Tổng công suất nguồn điện đến năm 2020 khoảng 60.300 MW, tỷ lệ dự phòng công suất nguồn khoảng 40-50%.
Khối lượng xây dựng lưới điện giai đoạn 2016-2020 hơn 2.400 km đường dây 500 kV, hơn 7.000 km đường dây 220 kV, hơn 24.000 MVA công suất trạm 500 kV và hơn 39.000 MVA công suất trạm 220 kV.
Chính phủ dự báo điện thương phẩm tới năm 2020 dự kiến đạt khoảng 234 tỷ KWh, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tới năm 2020 khoảng 265 tỷ KWh, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP nêu trên.
Post a Comment