Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple.
Theo hãng tin Reuters, phán quyết này giúp “quả táo” củng cố vững chắc những lập luận của mình trong cuộc đấu pháp lý mang tính lịch sử với Bộ Tư pháp Mỹ xung quanh vấn đề mã hóa và bảo mật.
Chính phủ Mỹ đòi Apple phải mở khóa chiếc iPhone nói trên trong một vụ án ma túy ở Brooklyn, New York hồi tháng 10 năm ngoái. Mới đây, Washington yêu cầu Apple có các biện pháp đặc biệt để cơ quan chức năng có thể truy cập vào một chiếc iPhone được sử dụng bởi một trong những tay súng thực hiện vụ thảm sát ở thành phố San Bernardino, bang California.
Tuy nhiên, quan tòa James Orenstein ở Brooklyn ra phán quyết rằng ông không có thẩm quyền pháp lý để ra lệnh Apple phá bảo vệ an ninh của chiếc iPhone bị tịch thu trong cuộc điều tra ma túy ở Brooklyn.
Phán quyết này ủng hộ những lập luận mà Apple đã đưa ra trong vụ San Bernadino. Một phát ngôn viên của Apple nói phán quyết của quan tòa Orenstein là sự báo trước khả quan cho Apple trong vụ San Bernadino.
Thời gian gần đây, vụ Chính phủ Mỹ đòi Apple mở khóa chiếc iPhone trong vụ thảm sát đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt ở nước này về sự cân bằng giữa một bên là chống tội phạm và một bên là bảo vệ quyền riêng tư trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Theo phát ngôn viên trên, những yêu cầu mà Chính phủ Mỹ đưa ra cho Apple trong vụ San Bernardino, bao gồm Apple phải điều chỉnh hệ điều hành của mình, thậm chí còn phức tạp hơn nhiều trong vụ Brooklyn.
Tài liệu của tòa cho biết, khi kháng lệnh của Chính phủ Mỹ về mở khóa chiếc điện thoại iPhone, Apple lập luận rằng làm vậy “có thể đe dọa niềm tin giữa Apple và khách hàng của hãng, cũng như ảnh hưởng xấu tới thương hiệu Apple”.
Hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Amazon.com, Alphabet, Facebook, Microsoft, và Twitter đều đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Apple.
Post a Comment