Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp.
Trình bày kế hoạch tài chính 2016 - 2020 tại phiên họp sáng 7/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết chưa có nguồn để thực hiện điều chỉnh quan hệ tiền lương.
Nhưng, Chính phủ đề nghị bố trí nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 5- 7%/năm.
Mức này là tàm tạm rồi, không phải bàn đi bàn lại hàng năm nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, tiền tăng lương năm nay đã cân đối được.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm, nếu điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công mỗi năm tăng khoảng 5-7% thì sẽ đẩy tỷ lệ chi thường xuyên lên đến 64%.
Đồng ý ưu tiên bố trí nguồn để tăng lương, cải cách tiền lương theo lộ trình, song Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng tỷ lệ chi thường xuyên như kiến của Chính phủ là quá cao, đề nghị giảm xuống dưới 60%.
Bên cạnh tiền lương, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định một số nội dung khác.
Như, giá dầu thô giai đoạn 2016 – 2020 bình quân 45 USD/thùng, bôị chi ngân sách nhà nước giảm dần, bình quân giai đoạn khoảng 4% GDP.
Hay, cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 – 2020 là 260 nghìn tỷ đồng, trong đó 60 nghìn tỷ đồng thuộc kế hoạch còn lại của giai đoạn 2014 – 2016, 200 nghìn tỷ cho giai đoạn 2017 – 2020.
Chính phủ cũng muốn được sử dụng thêm khoảng 150 nghìn tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của nhà nước tại một số doanh nghiệp để tăng chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương.
Theo đó, tổng chi đầu tư phát triển (bao gồm cả nguồn trái phiếu Chính phủ, xổ số kiến thiết, bội chi ngân sách địa phương, không bao gồm chi dự trữ quốc gia) khoảng 2.106 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 25,6% tổng chi ngân sách nhà nước.
Post a Comment