Công ty Liên kết Việt từng nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của cơ quan quản lý.

Lãnh đạo Bộ Công Thương vừa chính thức lên tiếng trước dư luận cho rằng, cơ quan này đã chậm trễ vào cuộc khiến hàng chục nghìn người đã sập bẫy lừa đảo của công ty Liên Kết Việt với chiêu trò “bán hàng đa cấp”.

Trao đổi với báo chí chiều 29/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, sau khi báo giới đăng tải thông tin liên quan đến vụ việc của Liên Kết Việt, Bộ Công Thương cũng đã nắm bắt tình hình và có chỉ đạo.

Công ty Liên Kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy phép hoạt động từ tháng 2/2014. Riêng đối với hoạt động bán hàng đa cấp nói chung trước đây đều do các sở công thương cấp phép.

Chỉ đến khi Chính phủ có Nghị định 42/CP về quản lý bán hàng đa cấp, từ tháng 7/2014, hoạt động này mới được giao cho Bộ Công Thương quản lý và cấp phép.

“Trước đây các sở công thương cấp phép cho khoảng 100 công ty bán hàng đa cấp, nhưng nay Bộ sàng lọc lại chỉ còn 65 công ty, trong đó khoảng 10% là công ty có 100% vốn nước ngoài”, ông Hải cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, hoạt động bán hàng đa cấp, nếu tuân thủ đúng các quy định thì đây là hoạt động hợp pháp và phổ biến trên thế giới. Đơn cử như Malaysia có tới 1.000 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Thái Lan có 500 công ty, Đài Loan có 700 công ty…

Hơn nữa, theo ông Hải, khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh này.

Với trường hợp của Liên Kết Việt, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, tháng 7/2014, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành kiểm tra, điều tra hoạt động của đơn vị trên và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 570 triệu đồng. Cụ thể, Liên Kết Việt đã không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định…

“Chúng tôi khẳng định Liên Kết Việt có hành vi lừa đảo, chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật”, Thứ trưởng Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Hải, về con số 60.000 hay 45.000 người được cho là nạn nhân của công ty này cũng như giá trị số tiền bị chiếm đoạt cũng cần phải xác minh lại, vì hiện chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.

Trước câu hỏi của báo chí, vì sao ở thời điểm đó, sau khi xử phạt số tiền lớn với loạt hoạt động vi phạm của Liên Kết Việt, nhưng Cục Quản lý cạnh tranh không lập tức phát đi cảnh báo đối với người dân?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Chỉ sau 7 tháng Liên Kết Việt hoạt động, chúng tôi đã phát hiện và có cuộc kiểm tra, điều tra hoạt động của công ty. Còn việc công ty này tiếp tục có hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý. Với chức năng và quyền hạn của mình Bộ Công an sẽ đưa ra kết luận điều tra cuối cùng vụ việc”.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khuyến cáo và mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ quản lý của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các hành vi lừa đảo xảy ra trên địa bàn...

Đối với người dân, khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp cũng phải tìm hiểu rõ hoạt động, xem xét kỹ thông tin về công ty và sản phẩm.

Ngày 19/2 vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 7 lãnh đạo và tổng đại lý của công ty Liên Kết Việt về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can bị tạm giam gồm Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), Chủ tịch Liên Kết Việt; Nguyễn Thị Thủy, Lê Văn Tú, đều là các phó tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, Lê Thanh Sơn, đều thuộc nhóm quảng bá, tuyên truyền, phát triển hệ thống đa cấp ở các tỉnh; Trịnh Xuân Sáng, phụ trách công nghệ thông tin của công ty này.

Theo số liệu ban đầu, chỉ trong hơn một năm hoạt động, các bị can tại Liên Kết Việt đã lừa đảo hơn 45.000 người với số tiền trên 1.900 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh đa cấp.

Cơ quan điều tra xác định, Lê Xuân Giang là người đứng đầu, lập ra Liên Kết Việt, Giang đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP.

Mặt hàng kinh doanh của công ty này gồm các sản phẩm: Dưỡng Cốt Vương, Bổ Não Vương, máy khử độc ozone, ngũ linh đông trùng hạ thảo… Liên Kết Việt quảng cáo rằng những sản phẩm trên của Công ty Cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP và Công ty Cổ phần Biovaccine Việt Nam.

Post a Comment

 
Top