Đại biểu Lê Nam từng phát biểu: “Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”.
Nói công bằng thì đó không chỉ là “món nợ” của riêng Quốc hội đương nhiệm.
Như VnEconomy đã thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ 11 (sẽ khai mạc sáng 21/3).
Lý do lùi là để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện việc chuẩn bị dự án.
Đây cũng từng là lý do để xin lùi việc trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015). Tại kỳ họp ấy, dù rất sốt ruột với sự ra đời quá chậm trễ của Luật Biểu tình, Quốc hội vẫn chấp thuận cho lùi từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11và thông qua tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14.
Như thế, dù không trả được “món nợ” với nhân dân như mong đợi, song dù sao các vị đại biểu Quốc hội khoá 13 cũng không hoàn toàn thất hứa với cử tri.
Nhưng, tại phiên họp ngày 17/2 vừa qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ lại tiếp tục xin lùi. Một số vị chủ nhiệm uỷ ban vô cùng sốt ruột, có ý kiến cho rằng việc xin lùi vô thời hạn của Chính phủ là hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó nhìn nhận đây là việc làm thiếu nghiêm túc. Và đề nghị được đưa ra cuối phiên thảo luận ấy là Chính phủ phải trình dự án Luật Biểu tình theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định, tức kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016) của Quốc hội khoá 13.
Mặc dù thế, như đã nói, dự án Luật Biểu tình lại thêm một lần được đề nghị chưa trình, sau nhiều lần được xin lùi, xin hoãn.
5 năm qua, có lẽ dự án luật được nhắc đến với nhiều cung bậc cảm xúc nhất tại nghị trường chính là Luật Biểu tình.
Như phân tích của nhiều vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất thì biểu tình là quyền cơ bản của công dân mang tính phổ quát của nhân loại, được quy định tại Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến nay.
Điều 25 của Hiến pháp 2013 vẫn tiếp tục hiến định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Và, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật cũng là điều đã được hiến định tại bản Hiến pháp này.
Bởi thế, nói như đại biểu Lê Nam thì “Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”.
Quốc hội khoá 13 hoạt động trong bối cảnh biển Đông dậy sóng trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Theo phân tích của Chủ tịch Tổng liên Đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Đặng Ngọc Tùng thì người dân rất muốn có điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tình cảm, phản ứng của họ, nếu có Luật Biểu tình thì rất tốt.
Nên, trước điệp khúc lùi và lùi, một số vị đại biểu thậm chí đã “đòi” có chế tài để xử lý sự chậm trễ trình dự án Luật Biểu tình. Có vị đề nghị cần huy động sức dân, đội ngũ chuyên gia và kể cả các cựu đại biểu Quốc hội để soạn thảo luật, chứ không nên giao cho một số ngành như cách hiện nay vẫn làm.
Nếu đề nghị này được thực hiện thì có lẽ “quan điểm của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau” sẽ không thể là lý do duy nhất khiến cho Luật Biểu tình biến thành “món nợ” khó đòi của cử tri với cả 13 khoá Quốc hội.
Post a Comment