Internet và mạng xã hội đang cho thấy những tác động cơ bản tới ngành công nghiệp làm đẹp.

"Mạng xã hội đang giết chết các tuần lễ thời trang?" là câu hỏi mà biên tập viên David Yi của trang tin Mashable.com đặt ra khi chứng kiến sự bận rộn của gần như toàn bộ người ngồi ở hàng ghế đầu (front row) trong các buổi trình diễn.

Thay vì dõi mắt theo các người mẫu trên sàn catwalk, các khách mời đều chăm chú vào chiếc màn hình điện thoại với các ứng dụng Snapchat, Instagram để tán gẫu cùng bạn bè, ghi lại những thiết kế yêu thích.

mang-xa-hoi-dang-giet-dan-cac-tuan-le-thoi-trang (1) Hình ảnh trong show diễn thu đông 2016 của DKNY tại tuần lễ thời trang New York. Ảnh: Wire Image.

Snapchat và Instagram không phải bây giờ mới có. Nhưng ngày nay, chúng đã trở thành một phần trong cuộc sống của không ít người.

Trước sự thực đó, David Yi đặt ra câu hỏi, tại sao lại cần đến tuần lễ thời trang nếu như tất cả đều được "tiêu hóa" qua điện thoại và mạng xã hội?

Để trả lời câu hỏi, David Yi đưa người đọc quay lại với ý tưởng nguyên bản của các tuần lễ thời trang: Các nhà mốt trình diễn thiết kế cho mùa tới trước sự theo dõi các biên tập viên thời trang và những người nổi tiếng, sau đó, chính những người này sẽ biến nó thành xu hướng và đưa đến với công chúng thông thường.

Tuy nhiên, khi công chúng được tiếp cận trực tiếp với các show thông qua mạng xã hội, liệu việc tham dự của khách mời còn có ý nghĩa? Liệu điều đó có thay đổi ý nghĩa của các show thời trang?

Không chỉ người xem, hành động này còn được "tiếp tay" bởi chính các nhà tổ chức tuần lễ thời trang và các thương hiệu. Tuần lễ thời trang New York cho ra mắt ứng dụng riêng và đều đặn mỗi giờ phát sóng một show.

Tommy Hilfiger cũng có InstaPit dành riêng cho người dùng Instagram. Nhà thiết kế trẻ ở New York Wes Gordon quyết định ra mắt bộ sưu tập qua các video ngắn, đẹp đẽ trên Instagram. Tháng 9 năm ngoái, nhà thiết kế Misha Nonoo cũng hé lộ toàn bộ buổi trình diễn qua ứng dụng mạng xã hội.

Ở dưới suối vàng, chứng kiến những gì đang diễn ra, John Fairchild - người sáng lập tờ báo nổi tiếng về thời trang WWD - có lẽ sẽ phải ôm đầu tiếc nuối vì... sống nhầm thời. Biên tập viên nổi tiếng với những hành động bất chấp để có tin này từng trải qua những ngày mà các nhà thiết kế đều ghét việc đưa bộ sưu tập ra trước công chúng. Thời điểm đó, người ta hạn chế chụp ảnh và bất kỳ ai dám ký họa một thiết kế cũng sẽ bị sỉ vả. Bị cấm cửa tại một buổi trình diễn, Fairchild đã thuê hẳn một nhiếp ảnh gia với ống tele để chụp ảnh từ phía bên kia đường.

Ngày nay, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Các nhà thiết kế thỏa mãn sự chú ý ngắn hạn của công chúng.

Họ thấy áp lực phải đưa ra những ý tưởng mới. Giữa tháng 2, khi Kanye West biến sàn diễn thời trang thành sân khấu ra mắt album mới, các chuyên gia cũng nhận định đây là chiêu nhằm "gây sốt" mạng xã hội.

"Thời trang đang dần thay đổi với mạng xã hội, livestreaming (truyền trực tiếp) và Internet. Nó xuất hiện gần như ngay lập tức. Nhưng tôi cho rằng chỉ những khán giả đi xem show mới có thể thực sự cảm nhận được cái hồn của bộ sưu tập và của thương hiệu" - nhà thiết kế Richard Chai nhận xét.

Nhưng chính Chai cũng muốn có cách thể hiện mới.

"Tôi muốn làm khác đi và đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới" - nhà thiết kế gốc người Hàn Quốc chia sẻ.

mang-xa-hoi-dang-giet-dan-cac-tuan-le-thoi-trang (2) Nhà thiết kế Richard Chai. Ảnh: Getty Images.

Trước sự thay đổi của thời cuộc, Eric Wilson, giám đốc tin tức thời trang của InStyle, phát biểu: "Thật thú vị khi chứng kiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng đến thế".

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng như Eric Wilson. Mới đây, nhà thiết kế Massimo Giorgetti của thương hiệu MSGM đã đề nghị những người đi xem show không đăng bất kỳ hình ảnh nào lên mạng xã hội.

"Hãy đặt điện thoại của bạn xuống và tận hưởng buổi trình diễn" - giấy mời của MSGM ghi.

Post a Comment

 
Top