Đó chính là nhận định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017. Sự kiện do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/12.
Diễn đàn logistics lần thứ 5 và được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Đồng thời, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các Bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…
Với tinh thần thẳng thắn, hợp tác, thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Tuấn Anh đề nghị các chuyên gia, đại biểu tham dự diễn đàn trao đổi, thảo luận các vấn đề cốt lõi.
Một là, cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics của Việt Nam ở cả ba cấp, từ Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương đến các Hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.
"Chúng ta cùng nhau thảo luận đề xuất, kiến nghị những biện pháp phối hợp giải quyết nhằm tạo thuận lợi hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước nói chung và lưu thông hàng hóa trong nước nói riêng", Bộ trưởng Tuấn Anh nêu.
Hai là, kiến nghị các giải pháp để phát triển bền vững ngành logistics xanh của Việt Nam, trong đó logistics phải được coi là một ngành "dịch vụ cơ sở hạ tầng" đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam; cũng như đề xuất kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần hợp tác với nhau, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh như thế nào để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Ba là, cần nghiên cứu trao đổi đưa ra các biện pháp tăng cường hơn nữa việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững trong mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm và các hành lang kinh tế của nước ta một cách đồng bộ, kết nối được với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh, diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới nhằm bắt nhịp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 theo sự phát triển chung của thế giới.
"Chúng ta cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Post a Comment