Khoảng 3/4 số thủ tục hành chính đã được bảo hiểm xã hội Việt Nam cắt giảm sau 5 năm tiến hành cải cách hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Có được kết quả như vậy là do bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế.

Đó cũng là ý kiến của ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc về tình hình thực hiện cải cách hành chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam cuối tuần qua.

Từ trên 100 thủ tục nay chỉ còn lại 28 thủ tục

Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 nội dung trọng tâm của công cuộc cải cách hành chính là cải cách thủ tục hành chính. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành bảo hiểm xã hội nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Đào Việt Ánh - Phó tổng giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong thời gian qua, công tác cải cách hàng chính tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều tiến bộ quan trọng. Đó là nhận thức ngày càng cao của đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về tầm quan trọng của cách hàng chính; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành ở Trung ương và các Sở, ban, ngành tại địa phương.

Vì thế, 5 năm qua số lượng thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội đã được giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục (giảm trên 75%). Nếu tính riêng năm 2017 giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục; rút ngắn thời hạn cấp sổ bảo hiểm xã hội từ 20 ngày, thẻ bảo hiểm y tế từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày.

Số giờ thực hiện thủ tục hành chính từ 335 giờ hướng đến giảm 49 giờ. Với việc thực hiện giao dịch điện tử trong tất cả các khâu từ thu, nộp đến quản lý chi, trả, thì số lần thực hiện giao dịch điện tử giảm từ 12 lần/năm xuống còn 1 lần/năm.

Cũng theo ông Đào Việt Ánh, năm 2017, bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp thứ 2/20 trong số các bộ, ngành về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tăng 18 bậc so với năm 2016 và là đơn vị đứng đầu trong các cơ quan thuộc chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2018.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), lần đầu tiên chỉ số về nộp thuế và bảo hiểm xã hội tại Việt Nam nằm trong ASEAN 4, tăng 81 bậc so với năm 2017 và đạt vị trí thứ 86/190 (năm trước xếp ở vị trí 167).

Nói về kết quả cải cách thủ tục hành chính, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiển Xã hội Việt Namchia sẻ: "Ngành luôn xác định công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, trong những năm qua, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính, quán triệt sâu sắc đến từng đơn vị và từng công chức, viên chức trong toàn Ngành. Vừa qua, Hiệp hội An sinh Thế giới (ISSA) đã yêu cầu bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo hồ sơ để xem xét nhằm vinh danh thành tích của các tổ chức thành viên thông qua các đề án về an sinh xã hội.''

Điểm sáng về ứng dụng công nghệ thông tin

Nhìn chung, theo ông Nguyễn Minh Hồng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam là rất quan trọng, chứng tỏ một sự tiến bộ vượt bậc. Việc đứng đầu 5/6 chỉ số, gồm: Hạ tầng kỹ thuật, Trang/Cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các chức năng hỗ trợ trên Trang/Cổng thông tin điện tử) của các cơ quan thuộc Chính phủ; cơ chế, chính sách và các quy định về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ; nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ; chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xứng đáng là đơn vị số 1 về ứng dụng công nghệ thông tin.

Đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thời gian qua, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết, bảo hiểm xã hội Việt Nam chính là đại diện tiêu biểu trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung xây dựng thể chế, thủ tục, tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương qua các Nghị quyết Hội nghị trung ương 7, khóa XII; Tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng cao và ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại của ngành; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để ngăn ngừa, phòng chống lạm dụng các chính sách này; Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến người dân, người lao động; Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành tổ chức đối thoại giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho đối tượng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top