Tôi 25, còn chồng 35 tuổi, từng có vợ và 2 đứa con nhưng đã ly dị. Tôi không biết chồng từng có vợ con cho tới ngày đi làm giấy kết hôn. Ngày hôm đó, tôi đã khóc rất nhiều nhưng vì yêu anh nên đành chấp nhận sự thật quá bất ngờ ấy. Chúng tôi cưới nhau được 2 năm, làm chung cơ sở kinh doanh nhỏ. Chồng nắm tất cả tài chính và không bao giờ cho tôi biết. Thời gian đầu tôi rất hạnh phúc nhưng đến lúc ba mẹ anh dọn từ quê lên ở cùng, lúc đó tôi mới hiểu rằng với anh, tôi chỉ là một người ngoài không hơn không kém. Anh dùng những từ rất thô tục với tôi dù là những việc nhỏ nhất. Ba mẹ buồn hay cần điều gì anh đều quan tâm và chiều hết mực. Anh biết đã làm tôi buồn, khóc nhiều lần nhưng chẳng hề thấy nôn nao hay xao động như đối với ba mẹ.

Từ lúc ba mẹ ở chung, anh đem tất cả tiền thu nhập từ kinh doanh cho mẹ anh giữ. Anh chị em bên chồng cần gì anh đều chu cấp tiền bạc. Vậy mà đối với tôi, anh phát cho từng đồng, từng ngày. Dù biết cơ sở kinh doanh đó ban đầu là của anh, nhưng trong đó có cả mồ hôi và công sức của tôi. Xin nhấn mạnh tôi cũng làm việc rất nhiều chứ không phải không đi làm. Thế nhưng chẳng khác gì bà vợ ở nhà xin tiền chồng, vì anh phát tiền và lúc nào cũng hỏi tôi dùng để làm gì, mua gì. Anh còn nhấn mạnh không ai được động chạm hay nói tới gia đình anh, nếu không sẽ không yên với anh đâu. Tôi thật sự cảm thấy rất bất mãn với cuộc sống gia đình hiện tại. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên. Xin chân thành cám ơn.

Thủy

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Thủy,

Trong cuộc sống mỗi người phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ và hành động của mình. Nếu đổ lỗi cho người khác thì phải đủ chứng cứ, lý do để phân biệt lỗi do ai. Không làm rõ lỗi do ai, ai chịu trách nhiệm và chịu đến đâu thì cuộc sống trở thành vàng thau lẫn lộn. Đây là vấn đề nhiều người mắc phải, đau khổ do chính mình gây ra nhưng không tự chịu trách nhiệm dẫn đến luẩn quẩn, không có lối thoát.

Bạn chỉ biết chồng từng có vợ con cho tới ngày đi làm giấy kết hôn cho thấy bạn là người không thận trọng. Tại sao yêu nhau mà không tìm hiểu, hỏi kỹ và quan tâm về đời sống gia đình người mình yêu. Yêu mà chỉ biết mỗi người yêu thì còn thuộc tâm lý của người ích kỷ. Người không ích kỷ khi yêu thường quan tâm đầy đủ mọi yếu tố về người yêu. Bạn đã vô ý hay là chỉ biết đến mỗi người yêu khi yêu anh ta? Đây là vấn đề rất cơ bản mà bạn phải tự trả lời nếu muốn tìm được hướng đi tiếp theo. Nếu bạn đã hỏi anh ta về gia đình mà anh ta nói dối, tức là anh ta không chân thành với bạn.

Chồng bạn nắm tất cả tài chính và không bao giờ cho bạn biết cho thấy anh ta không tin bạn. Kiểu đàn ông này thường "sử dụng" vợ như nô lệ vì lợi ích của bản thân. Nếu anh ta gặp bất lợi thì thủ đoạn, sự nhẫn tâm… sẽ xuất hiện. Bạn xem lại chỗ này để có kết luận chính xác, vì có khi chồng bạn muốn bí mật thương yêu thì đó là ngoại lệ tâm lý.

Thời gian đầu tôi rất hạnh phúc nhưng đến lúc ba mẹ anh dọn từ quê lên ở cùng, lúc đó tôi mới hiểu rằng với anh, tôi chỉ là một người ngoài không hơn không kém”. Vậy nguyên nhân là do ba mẹ chồng hay do bạn? Bạn nên xem lại bản thân, có thể hạnh phúc ở đây là do bạn mù quáng cảm nhận; hoặc bạn rất ích kỷ nên đã so sánh việc có hiếu của chồng với tình cảm vợ chồng.

Người con trai có hiếu, tính cách cộc cằn thường thổ lộ “ba mẹ là trên hết, còn vợ thì không có vợ này sẽ có vợ khác”. Những người kiểu này không biết cân đối tình cảm mà thường thiên lệch, yêu hết mình, còn ghét là đến mức muốn quăng đi. Bạn thử xem chồng có phải loại tâm lý này không? Nếu phải bạn nên quan tâm đến ba mẹ chồng nhiều hơn anh ấy quan tâm. Lúc đó, ba mẹ chồng thấy con dâu quý, chắc chắn sẽ có thái độ với chồng bạn khi anh ta đối xử thô tục với bạn. Còn nếu bạn tiếp tục so sánh “ba mẹ buồn hay cần điều gì anh đều quan tâm và chiều hết mực, trong khi với vợ thì không”, thì có lẽ bạn không thể tiếp tục sống với chồng được. Vì nếu ba mẹ chồng ghét bạn, trong khi chồng bạn lại rất tin ba mẹ thì càng như đổ thêm dầu vào lửa, bạn không những buồn, khóc mà có khi còn hơn thế nữa. Bạn hãy cân nhắc xem mình có sức đến đâu, có làm cho ba mẹ chồng yêu quý được không. Đây là cách ứng xử trong gia đình mà có lẽ bạn nên học.

“Từ lúc ba mẹ ở chung, anh đem tất cả tiền thu nhập từ kinh doanh cho mẹ anh giữ”. Mẹ chồng giữ càng tốt, vì mẹ giữ không bị mất, còn chồng bạn giữ có khi lại sử dụng với mục đích không tốt. Vậy trước khi ba mẹ chồng lên thì tiền gia đình bạn thế nào? Phải chăng chồng lo bạn giữ tiền thì con của anh ta sẽ khổ? 

“Dù biết cơ sở kinh doanh ấy ban đầu là của anh, nhưng trong đó có cả mồ hôi và công sức của tôi”. Câu nói này là thừa, vì khi đã là vợ chồng thì phải hiểu “của chồng công vợ”. Bạn xem lại bạn có đụng chạm gì đến chồng và gia đình chồng không mà để anh ta phải nói “không yên với anh đâu”. 

Thực sự nếu bạn bất mãn với cuộc sống gia đình hiện tại thì hãy xem lại từ đầu và cách hành xử của bạn hiện nay để tìm ra lời giải thích cho bản thân. Từ đó có cách giải quyết theo tâm lý của bạn như phân tích trên và lựa chọn cách phù hợp nhất.

Chúc bạn sáng suốt.

Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top