Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, trong thời gian ngắn, cơ quan hải quan trong thẩm quyền được giao mới chỉ làm rõ sai phạm của doanh nghiệp, còn các vấn đề liên quan đến kẽ hở, sai phạm có thể có, cơ quan điều tra của Bộ Công an chắc chắn sẽ làm rất kỹ, khách quan.

Thông tin này được ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết khi trao đổi với báo chí về vi phạm của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Đức Đạt trong vụ việc làm giả giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu 13.000 tấn phế liệu về Việt Nam.

Theo đó, ông Quang cho biết, căn cứ kết quả điều tra về vụ việc vi phạm của Công ty Đức Đạt đã xác định từ ngày 21/7/2017 đến 22/11/2017, công ty này sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094 ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là hơn 13.000 tấn, tổng trị giá theo khai báo là 35,5 tỷ đồng.

"Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, ngày 17/7, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra quyết định về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ", ông Quang cho biết.

Trả lời câu hỏi liệu có dấu hiệu của việc tiếp tay, làm sai của cán bộ hải quan cơ sở trong vụ việc nhập khẩu phế liệu của công ty Đức Đạt hay không, ông Nguyễn Khánh Quang khẳng định, trong thời gian ngắn, cơ quan hải quan trong thẩm quyền được giao mới chỉ làm rõ sai phạm của doanh nghiệp.

"Còn các vấn đề liên quan, các kẽ hở thậm chí sai phạm nếu có, Cục Điều tra Chống buôn lậu đã có báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có văn bản nhắc nhở không chỉ với Cục Hải quan Hải Phòng, Cục Hải quan Bà Rịa – Vũng Tàu và Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh mà còn nhắc nhở các cơ quan hải quan toàn ngành rà soát, phát hiện sai sót, xử lý nghiêm sai phạm nếu có. 

Các công việc tiếp theo, cơ quan điều tra của Bộ Công an chắc chắn sẽ làm rất kỹ, khách quan, theo đó, sẽ phát hiện các sai sót, kẽ hở đối với các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu", ông Quang nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý ngày 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, ngành phải tăng cường phối hợp trong việc ngăn chặn phế liệu vào Việt Nam, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống nhân dân.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị phải điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe.

Được biết, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc là 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phế liệu nhất thời gian qua. Phế liệu được nhập chủ yếu là nhựa, giấy và sắt thép.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khoảng 4 triệu tấn phế liệu các loại, tổng giá trị nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng người Việt nhập khẩu 200 triệu USD phế liệu.

Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 5,5 triệu tấn phế liệu với trị giá 1,8 tỷ USD; năm 2016 là 4,9 triệu tấn với trị giá gần 1 tỷ USD.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top