5 năm trước, 3,8 triệu ha đất lúa được đề nghị bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng hôm nay thì đã khác.
Tại phiên họp chiều 7/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo quy hoạch đã được Quốc hội quyết định thì đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.812,43 nghìn ha (trong đó, đất chuyên trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên là 3.221,91 nghìn ha).
Chính phủ đề nghị điều chỉnh đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa là 3.760,39 nghìn ha (giảm 52,04 nghìn ha), trong đó, đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn ha. Trong số 3.760,39 nghìn ha được giữ lại, có khoảng 400 nghìn ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, hiện nay, nguồn cung gạo trong nước đang dư thừa, thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp do sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt từ các nước trong khu vực. Một số nước nhập khẩu gạo lớn là bạn hàng truyền thống của Việt Nam giảm nhu cầu do họ dần dần tự chủ được lương thực.
Do vậy, thu nhập của người trồng lúa không cao so với các loại cây trồng khác. Diện tích đất trồng lúa mà Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng chủ yếu là phục vụ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp, đô thị, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Điều chỉnh giảm 52,04 nghìn ha đất trồng lúa (đất chuyên trồng lúa nước giảm 92,95 nghìn ha) là do hạn hán, nhiễm mặn, ngập lụt, thoái hóa đất... sản xuất lúa kém hiệu quả so với các cây trồng khác để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, Chủ nhiệm Giàu thông tin thêm.
Uỷ ban Kinh tế cũng nhìn nhận, với diện tích đất trồng lúa còn lại cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất, năng suất lúa bình quân hàng năm khoảng 60 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 42 triệu tấn/năm (bình quân khoảng 420 kg/người/năm) là bảo đảm an ninh lương thực hiện tại, ngay cả khi dân số tăng và giữ ổn định ở mức 120 triệu dân trong tương lai.
Với những lý do nêu trên, Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã có kết luận ngày 5/8/2009 về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, theo đó, nhấn mạnh nhiệm vụ quy hoạch, bảo vệ và sử dụng hiệu quả 3,8 triệu ha đất lúa, do vậy, cần được báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, ông Giàu nêu quan điểm.
Hồi âm ý kiến của Uỷ ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường “xin đề nghị Quốc hội thông qua chỉ tiêu này” với nhiều lý do.
Như, hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này dẫn đến một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa. Đồng thời với tác động của yếu tố thị trường, giá cả không ổn định, chi phí sản xuất lúa ngày càng tăng dẫn đến hiệu quả sử dụng đất trồng lúa thấp hơn so với một số cây trồng khác như thanh long, hoa, rau màu…
Mặt khác, dự báo trong những năm tới, năng suất lúa sẽ tăng lên do áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khi nhu cầu lương thực về cơ bản tới ngưỡng ổn định.
Với tính toán dân số Việt Nam vào năm 2020 khoảng 100 triệu người, có nhu cầu khoảng 16 triệu tấn thóc/năm, công với thóc làm giống, dành cho chăn nuôi và chế biến sang các sản phẩm khác và dự trữ lương thực quốc gia, báo cáo nêu con số tổng nhu cầu về thóc của cả nước đến năm 2020 cần khoảng 35 - 36 triệu tấn thóc/năm.
Mà, với diện tích đất lúa đến năm 2020 còn 3.760 nghìn ha, diện tích gieo trồng trên 7 triệu ha, năng suất dự kiến đạt 60 - 62 tạ (tương đương năng suất lúa hiện nay của Nhật Bản) thì sản lượng lúa đạt trên 42 triệu tấn/năm.
Như vậy, không những đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia mà còn dành cho xuất khẩu khoảng từ 5 - 6 triệu tấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tại văn bản hồi âm.
Post a Comment