Tết này nữa là hơn 8 năm cưới nhau, 12 năm yêu nhau của mình anh nhỉ. Thời gian đó chưa đủ dài với đời người 60 năm, cũng không ngắn để em có thể hiểu được, cảm nhận và trân trọng những yêu thương anh đã dành cho em. Anh to cao, rám đen, ít nói, không giỏi giao tiếp và càng không giỏi trong “công cuộc” chinh phục em. Có lẽ em lại thương và chấp nhận đến với anh vì điều đó, không khoa trương, không màu mè, chân thật và có ánh mắt u buồn, hun hút sâu.
Còn nhớ, hôm ấy là một ngày đông, cơn mưa cuối mùa chợt kéo về, dai dẳng, anh mượn chiếc xe đạp của bạn đưa em về nhà, trên cái xe cọc cạch, không vè, không thắng, nước mưa văng lên ướt hết cả người, bất chợt anh luồn tay ra phía sau nắm chặt lấy tay em, giọng chậm chạp, run run không biết vì mưa hay lạnh mà lí nhí “Anh sẽ dắt em đi đến cuối đời”. Vậy là mình thành một đôi, suốt bốn năm bên nhau, tình yêu hai đứa như một bài thơ lãng mạn, chúng ta có thể rong ruổi cùng nhau trên chiếc xe máy đỏ lên tận núi Bà ở Tây Ninh để ăn bữa cơm chay miễn phí rồi về, hay những hôm anh đèo em chạy ù ra Vũng Tàu chỉ vì “Em thèm mùi mằn mặn của biển quá anh ơi”. Những khi em hờn tủi, anh kiên trì cạnh bên, nhẹ nhàng giải thích, anh nói: “Thật sự không phải vì anh thất hứa, nhưng để em buồn là anh có lỗi, hãy bỏ lỗi cho anh, anh sẽ để ý nhiều hơn để điều này không xảy ra nữa”. Đôi khi cũng còn ấm ức nhưng cảm nhận được chân tình của anh, em... tha cho anh đấy.
Nhớ lần em đi làm công ty thứ hai bị stress nặng nên đành nghỉ việc, ở nhà thất nghiệp gần hai tháng. Anh với đồng lương còm cõi của sinh viên mới ra trường lãnh luôn phần “chợ búa” nuôi em, nhận thêm việc giao hàng giờ nghỉ để có kiếm thêm. Rồi tới mùa World Cup, em vẫn còn thất nghiệp, tối tối em không muốn về căn nhà trọ, quyết “bám trụ” nhà văn hóa Thanh niên suốt đêm để vừa xem bóng đá, vừa giết thời gian. Anh sốt ruột, phân tích rất nhiều “rủi ro” để tha em về nhà, nhưng em nhất quyết “Có về thì anh về đi, đám bạn nhà trọ của anh đang chờ, mai cứ đi làm, mặc em”. Thế là, anh ngồi lại cạnh bên, “hào hứng” cùng em xem hết trận này đến trận khác, chú bán bánh bao, bắp xào, cô bán mì tôm, bán trứng dọc hồ trở thành những “nhà cung cấp” thực phẩm quen thuộc hàng đêm. Giờ nghĩ lại, em hỏi anh trong gần một tháng đó, anh lấy đâu ra sức mà ngày đi làm, đêm xem đá bóng, sáng lại đi làm, mỗi ngày ngủ chừng hơn một tiếng. Anh dí dỏm “Sức mạnh tình yêu của anh thật là khủng khiếp”.
Rồi mình cưới nhau sau hai năm đi làm, cha mẹ hai bên nhiều khốn khó nên hai đứa đến với nhau trắng tay. Lương lãnh được thì luôn theo phương châm “Tháng nào xào tháng đó”, phần biếu cha mẹ, phần tiền nhà, tiền điện, tiền nước non..., đồng lương còm cõi lay lắt qua ngày, qua tháng. Hai đứa em của em, một đứa ra trường đi làm, một đứa dưới quê lên đi học, anh đều rủ đến ở chung. Anh bảo đông vui, em nó nhỏ ở trọ bên ngoài ai lo. Em cười bởi vốn ham vui mà. Căn phòng trọ hơn 10 mét vuông, bốn người ở, có chật một chút nhưng luôn rộn rã tiếng cười, không bao giờ hạnh họe nhau, anh như một người anh lớn trong nhà, luôn thương yêu và chăm lo cho đám em nhỏ xíu, trong đó có em.
Thế nhưng từ xưa cái câu “Giậu đổ bìm leo” đến nay vẫn còn hiệu nghiệm. Thình lình, ba em mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, những tháng ngày anh thay em vất vả ngược xuôi giữa nơi làm và bệnh viện không sao đếm hết. Anh bên ba suốt những tháng ngày xạ trị, từ một người đàn ông vạm vỡ, tự tin, phóng khoáng thì chỉ sau vài tháng điều trị ba đã yếu hẳn đi. Được gần năm thì ba không còn sức nữa, ăn uống cũng nhiều khó khăn, với cháo phải dùng máy xay làm nhuyễn, anh sợ ba ăn một mình buồn tủi nên xới thêm cho mình một chén ăn chung, ba nhìn anh cười xúc động. Ai nhìn cách anh chăm ba cũng bảo anh là con trai ruột. Ba nhìn anh, thương anh, cứ nhắc với em những điểm tốt của anh, dặn em không được “ăn hiếp” anh, phải biết quý trọng, những lời đó em chưa nói với anh bao giờ.
Điều trị được hơn năm, ba em bắt đầu kiệt sức, lúc này sức khỏe ba anh bỗng dưng cũng không còn như trước, đi thăm khám bác sĩ báo ba cũng bị ung thư, căn bệnh quái ác này như làm cho anh và em nghẹt thở, gia đình hai bên chẳng thể tin nổi chuyện này. Nhưng sự thật là như vậy, cả gia đình chúng ta không thôi động viên nhau, vì chỉ có chúng mình ở trên thành phố này nên mọi việc gần như mình anh lo liệu.
Căn nhà trọ hơn 10 mét vuông, có thêm cái gác nhỏ giờ đã thêm người. Gánh nặng kinh tế nay càng oằn vai, tưởng chừng như sắp gãy, nhưng rồi tình yêu gia đình, tình yêu của chúng ta dành cho nhau thực sự như một sức mạnh nhiệm màu. Căn phòng trọ chật hẹp chưa khi nào đứt tiếng cười đùa hạnh phúc của đại gia đình. Lúc này đây, tất cả chúng ta đang là một đội đoàn kết, tiên phong để cùng với ba em, ba anh chống lại căn bệnh quái ác. Nhưng có lẽ số phận đã an bài, những tháng ngày bên nhau điều trị không lâu, được gần hai năm thì lần lượt ba em rồi ba anh lặng lẽ rời đi. Ngày đó tim chúng ta như vỡ vụn, nỗi đau mất đi người yêu thương nhất chắc cũng chỉ những ai trải qua mới hiểu được.
Năm 2013, mừng kỷ niệm 5 năm ngày cưới cũng là ngày vợ chồng mình chuyển tới nơi ở mới, một khoản vay vừa phải ở ngân hàng đã giúp chúng ta có được ngôi nhà mơ ước ở một vùng ngoại ô. Hai đứa em của em cũng theo cùng, suốt mấy năm qua, chúng nó với em, với anh đã là một đội, quấn quýt bên nhau. Đến hôm nay, khi mùa xuân bắt đầu gõ cửa, em hạnh phúc bên anh, bên con, bên những đứa em trong ngôi nhà ấm cúng. Thầm cảm ơn cuộc đời đã mang anh đến bên em. Cảm ơn anh đã chọn em là người phụ nữ đồng hành, để được cùng nhau yêu thương và sẻ chia, cùng nhau đi qua những gam màu sáng tối của bức tranh đời mình. Rồi thời gian sẽ qua đi, mọi thứ có thể đổi thay nhưng với những gì đã trải qua em sẽ luôn trân trọng và muốn gửi lời cảm ơn đến anh, người bạn, người chồng đáng quý.
Phúc
Post a Comment