Tôi 47 tuổi, là giáo viên dạy cấp 3, vào TPHCM học tập, lập nghiệp rồi lấy chồng là người TPHCM. Tôi đã lấy bằng thạc sĩ, thu nhập khá, khoảng 70triệu/tháng (tôi làm thêm nhiều việc khác). Trước đó, tôi dạy cao đẳng, nhưng vì cách nhà hơn 15km, khá xa nên tôi xin chuyển về trường cấp 3 gần nhà.

Vợ chồng tôi cưới nhau được 20 năm, có một cô con gái 15 tuổi. Chồng tôi từng là giáo viên, thu nhập bình thường. Bố mẹ chồng khuyên nhà chỉ nên có một người làm nghề giáo thôi, người còn lại làm cái khác cho có kinh tế nên chồng tôi nghỉ dạy, mở công ty riêng (tôi vay tiền cho chồng mở). Cả khi đi làm thuê lẫn mở công ty, chồng đưa về bao nhiêu tôi biết bấy nhiêu, không bao giờ đòi hỏi. Mọi thứ trong nhà gần như là do tôi sắm sửa (kể cả ô tô cho chồng đi lại).

Trước đó, vợ chồng tôi hạnh phúc, vui vẻ nhưng khoảng 10 năm trở lại đây tôi cảm thấy không được như vậy nữa. Năm 2013, tôi phát hiện chồng ngoại tình. Đó là thư ký của công ty đối tác, hình thức thua tôi, đã có gia đình, cô ta còn định ly dị để đến với anh. Khi tôi phát hiện là lúc anh định mua nhà cho cô ta ở. Tôi thưa với gia đình chồng, ba mẹ và chị em chồng vào cuộc, bắt anh về, sau đó mời bố mẹ đẻ tôi xuống nhà nói chuyện, xin lỗi và bắt chồng tôi hứa chấm dứt trước mọi người.

Sang năm 2017, tôi lại phát hiện chồng ngoại tình, cũng một cô thư ký, đã có gia đình, hình thức thua tôi. Lần này tôi không sốc, nhưng chẳng muốn nói chuyện với chồng, cũng vì con gái sắp thi nên tôi không làm to chuyện. Sau đó tôi đưa con về ngoại, rồi yêu cầu chồng ly thân. Chồng tôi như bắt được cơ hội tốt, không quan tâm tới gia đình, đến chăm sóc cô bồ, mua xe, mua đủ thứ và đưa đi du lịch. Tôi muốn ly dị nhưng chồng không chịu, làm căng lên thì anh hứa chấm dứt, nhưng tôi đã mất hoàn toàn niềm tin. Tôi sợ dù tha thứ sẽ lại có lần sau.

Xin nói thêm, chồng tôi là người khôn ngoan, thậm chí “quỷ quyệt”, nhưng không bao giờ cãi lại vợ và rất chiều con. Còn tôi, có thể do thói quen nghề nghiệp nên nhiều lúc nói chuyện cứng nhắc, như ra lệnh nhưng thực chất không có gì. Có thể vì thế mà anh nghĩ tôi giỏi giang nên khinh thường anh. Điều tôi lo lắng nhất là về con gái, cháu biết hết mọi chuyện dù tôi giấu. Cháu nói “con không muốn ba mẹ ly dị, nhưng đó là chuyện của người lớn, mẹ quyết sao thì con nghe vậy”. Tôi thấy điểm thi giữa học kỳ này của con tụt thảm hại, sợ rằng nếu ly dị thật, con bé sẽ không chịu nổi. Xin hãy cho tôi lời khuyên.

Ánh

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Ánh,

Tâm lý chạy mạnh theo luồng tình cảm, mà tình cảm thì ít khi cùng chiều với ý chí. Tình cảm thường bị chi phối do cảm tính mà người ta gọi là thích, sau đó sẽ phát triển thành tình yêu, vượt lên một chút sẽ xuất hiện tình dục. Người có ý chí sẽ biết giới hạn và kiểm soát tình cảm trái chiều, người có ý chí kém chút thì sợ pháp luật, còn người kém ý chí chẳng còn biết sợ là gì.

Chồng bạn “không bao giờ cãi lại vợ và rất chiều con” là kiểu người tình cảm, thường không muốn hoặc sợ đối đầu, nhưng lại khó giữ được tình cảm, dễ bị quyến rũ bởi sự nhẹ nhàng. Còn bạn là mẫu người ý chí, có thiên hướng phải làm giàu và bạn đã làm được, đây là thế mạnh của bạn về kinh tế. Về tình cảm, sai lầm của bạn chính là “cứng nhắc, như ra lệnh”. Bạn đã nhận ra điều này nhưng lại ỷ vào “các cô kia không đẹp bằng mình”. Với người đàn ông, cái đẹp chỉ là lúc đầu, sau đó chính là cách ứng xử nhẹ nhàng, đúng mực, yêu thương; trong khi bạn thương yêu chồng bằng cách cung cấp tiền, mở công ty riêng. Cái thương của bạn lấy hiệu quả cuối cùng làm thước đo giá trị. Nếu làm kinh tế thì cách này đúng, nhưng về tình cảm lại là cả quá trình, như người nông dân trồng cây, họ phải chăm bón đúng lúc, đúng mực, chăm quá không được và bỏ bẵng cũng không xong. Trong cuộc sống vợ chồng, nên phòng cháy hơn chữa cháy, bạn là người chữa cháy giỏi nhưng lại phòng cháy yếu, bởi vậy mới xảy ra tình trạng lần đầu đã dập tắt được, lần sau còn nguy cơ cao hơn.

Con bạn được lớn lên trong vỏ bọc tuyệt vời của cha mẹ, nhất là khi gia đình có xe hơi riêng, những đứa trẻ như vậy thường không chịu được mưa gió. Bây giờ bạn thấy con “điểm học kỳ này tụt thảm hại” mới giật mình khi thấy chuyện vợ chồng ảnh hưởng đến con gái. Đáng lẽ bạn không nên giấu con bởi học sinh ngày nay rất nhạy cảm, hãy cho cháu biết từ từ rồi 2 mẹ con cùng bàn cách giải quyết, điều này giúp con không bị sốc tâm lý.

Nếu không muốn con rơi vào trạng thái tâm lý bất an thì bạn nên bàn với chồng, đừng kéo cả gia đình vào cuộc để rồi “xấu chàng thì hổ mặt ai”. Hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng, hỏi kỹ xem chồng đang trong trạng thái tâm lý gì, có bị khủng hoảng về tình cảm không, từ đó đưa ra một phác đồ điều trị. Bạn nói “khi làm căng thì anh hứa chấm dứt”, đây là cái người xưa thường nói “còn nước còn tát”. Bạn hãy làm căng để anh ta chấm dứt, sau đó họp gia đình (2 vợ chồng và con gái) để xây dựng kỷ cương và mỗi người tự điều chỉnh. Bạn hãy thay đổi thói quen ra lệnh thành chia sẻ, chồng bạn điều chỉnh để sống có trách nhiệm hơn, còn con gái là người giám sát. Về mặt tài chính, bạn nên tìm hiểu xem công ty của chồng làm gì, lỗ lãi ra sao, để phát triển kinh tế gia đình hơn nữa thì chồng bạn cần phải làm gì, đóng góp bao nhiêu tiền…. Nếu bạn không kiểm soát được hoạt động kinh tế của chồng và cho rằng không cần thiết thì chính là đang nối giáo cho giặc. Khi người ta có mục đích phấn đấu rõ ràng thì mọi chuyện sẽ khác, tình cảm cũng được đặt đúng chỗ, vậy nên hãy tránh để chồng “nhàn cư vi bất thiện" nhé. Chúc bạn vui vẻ.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top