Tôi năm nay 45 tuổi, bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, đã cắt tử cung. Tôi đi làm lương được 7 triệu/tháng, nhưng theo dự kiến, đến hết năm 2018 có thể sẽ phải nghỉ việc. Vợ chồng tôi có 2 con, con đầu 22 tuổi đang đi làm, còn thứ 19 tuổi, đi học. Chúng tôi ở nhà cấp 4, xây trên nền đất bố mẹ chồng cho, không có sổ đỏ. 

Cách đây 2 tháng tôi phát hiện chồng ngoại tình, cô bồ có một đứa con, đã bỏ chồng. Thực ra trước đó chồng tôi nhiều lần ngoại tình, đã chấm dứt, nhưng lần này anh ta không hề hối lỗi mà công khai, kiểu như bắt tôi phải chấp nhận cho cô ta làm vợ 2. Có lần họ đi nhà nghỉ, con tôi gọi điện mà anh ta để cho cô bồ nghe máy, về thì nằm giữa nhà nhắn tin như thể thách thức tôi. Chúng tôi ly thân mấy tháng nay rồi và tôi cũng nghĩ tới ly dị, nhưng các con và gia đình nhà chồng đều khuyên nên kệ đi mà sống tiếp. Chồng vẫn đưa lương cho tôi hàng tháng, và nói sẽ tiếp tục duy trì nếu tôi không ly dị. Tôi phân vân quá, để kệ thì sợ không chịu được, hơn nữa bệnh này không nên suy nghĩ nhiều, mà nếu ly dị thì tôi phải dọn ra ngoài thuê trọ (trong khi đang bệnh tật, sắp tới có khi còn bị nghỉ việc), rồi các con nữa. Mong chị Tâm hãy tư vấn, cho tôi xin lời khuyên. Cảm ơn chị rất nhiều.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:

Chị Hà thân mến,

Nếu nghe câu hỏi “Có nên ly dị khi chồng muốn tôi chấp nhận bồ là vợ 2” thì bất cứ bà vợ nào cũng sẽ la làng lên là KHÔNG, tuy nhiên còn tùy theo chị là kiểu phụ nữ thế nào, sẽ có quyết định hoặc lựa chọn khác nhau. 

Nếu chị có sức khỏe bình thường, công việc ổn định, mà gia đình không hạnh phúc, chồng ngoại tình công khai và muốn chị chấp nhận; chị lại thuộc tuýp phụ nữ độc lập, mạnh mẽ, nghị lực, không chấp nhận chịu đựng những điều phi lý, chị quan niệm sống với nhau là phải hạnh phúc, không cần duy trì hôn nhân vì hình thức, danh dự, sĩ diện…thì đưa ra quyết định ly hôn hay không đâu có gì khó. Nhưng hiện tại, chị đang bệnh tật, lại là bệnh nan y, chưa biết diễn biến sức khỏe sắp tới sẽ thế nào, trong khi công việc không ổn định, khả năng mất việc cao, kinh tế khó khăn, chỗ ở không có, mà chọn ra đi lúc này thì thật bất tiện. 

Chúng ta không bàn về cái lợi cái hại cho bản thân chị, mà tìm xem có giải pháp nào thấu tình đạt lý cho chị và gia đình không. Chị nên biết và hãy nhớ rằng, khi chị mắc bệnh nan y mà lại là bệnh phụ khoa (ung thư cổ tử cung) nghĩa là có nhiều hạn chế trong quan hệ chăn gối với chồng - điều này khá quan trọng trong đời sống hôn nhân. Chồng chị chắc không tránh khỏi cảm giác e ngại, sợ sệt khi gần gũi vợ. Bản thân chị cũng khó tránh khỏi nỗi sợ khi chung đụng với chồng vì cảm giác đau rát, khô, sợ bị nhiễm trùng, thêm nữa, người mắc bệnh và phẫu thuật cắt tử cung thường không còn nhiều ham muốn, hứng thú chuyện gối chăn. 

Chị mới 45 tuổi, nghĩa là chồng chị cũng chưa già, nhu cầu chăn gối của anh ấy chắc sẽ còn, trong khi chị không thể. Vậy vấn đề sẽ nảy sinh từ đây. Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng, điều gì thuộc về nhu cầu sẽ bị thúc đẩy để được giải quyết, không thể phủ nhận nhu cầu, cũng không thể dùng phép thắng lợi tinh thần để nói rằng vợ chồng sống với nhau vì tình nghĩa chứ không phải chỉ có sex. Vậy bây giờ cần xem chị muốn gì. Nếu muốn được yên ổn sống với gia đình, chồng con, lo cho sức khỏe của mình, thì tự chị phải thương lượng với chính cảm xúc và suy nghĩ của mình, vượt lên cảm xúc ghen tuông, buồn giận thường tình mà mỗi người đàn bà đều có. Nghĩa là chị cứ bơ đi mà sống, không hẳn là chấp nhận hay cho anh công khai, mà đừng tìm kiếm, nghe ngóng, rồi đau đớn, tức giận, oán trời trách người… Hãy sống theo phương châm “mắt không thấy, lòng không đau”, luôn suy nghĩ tích cực, chị thử tìm trong biến cố này 3 điều giá trị nhất, bài học lớn nhất mà hoàn cảnh này mang đến cho chị là gì. Tìm ra thông điệp của nó, chị sẽ thấy điều kỳ diệu. 

Cuộc sống luôn có những thử thách, đôi khi dồn dập và quá khắc nghiệt với mỗi người, vượt qua được đoạn thác ghềnh này chị sẽ thêm vững vàng, mạnh mẽ, trân quý hơn cuộc sống của mình. Từng đứng trước cửa tử sinh, có bao giờ chị nghĩ khác hơn, sâu thêm những vấn đề của kiếp nhân sinh mà mỗi người phải mang vác, để lòng rộng lượng ra, bao dung hơn, thấu cảm cho vấn đề khó mà chấp nhận nơi người kia không? Giả sử chị không qua khỏi trong lần phẫu thuật vừa rồi, thì bây giờ mọi chuyện sẽ thế nào, liệu có còn cơ hội để hờn ghen, trách móc nhau nữa không? 

Anh ấy chưa tế nhị trong ứng xử với chị, nhưng cũng không chắc là muốn công khai quan hệ với người khác, hay từ bỏ gia đình. Thái độ của chị quyết định phản ứng của anh ấy, nếu cảm thông hơn một chút, không ghen tuông giận dữ, có lẽ anh ấy sẽ không làm chị tức giận hay đau lòng. Cùng với thời gian, tự mọi chuyện sẽ có lời giải đáp. Nếu chị đủ nghị lực vượt qua bệnh tật, trở nên khỏe mạnh bình thường, làm chủ cuộc sống, thì dù có chuyện gì xảy ra cũng đâu làm khó được chị. Hơn nữa, chắc gì chồng chị đi với người khác mãi mà không nghĩ lại, khi vợ mình đã chiến thắng bệnh tật, thấu hiểu mà cảm thông, không đẩy anh vào lựa chọn khó khăn, mà lỡ khi không thành công trong mối quan hệ mới, anh vẫn còn gia đình. (Xin các bà vợ đừng ném đá)    

Chị Hà thân mến, không ai muốn mình rơi vào hoàn cảnh quá khó thế này, nhưng nếu đã gõ cửa nhà ta, thì ta phải dùng tất cả nghị lực và tình thương để thương lượng với nó. Chúc chị bình tĩnh, sáng suốt, có những suy nghĩ, lựa chọn hợp lý cho trường hợp của mình.

Muốn được Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top