Đó là vấn đề được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra tại hội thảo điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 23/1.

Một trong những "nhân vật" chính của hội thảo là dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, nhằm thay thế nghị định 86 được ban hành từ 2014.

Đánh giá chung từ các tham luận là dự thảo nghị định mới vẫn thiên về siết chặt hơn là cải cách, không có khả năng tháo gỡ những vấn đề của kinh doanh vận tải hiện nay.

Theo bà Phạm Chi Lan, dù đã có bãi bỏ một số quy định những thủ tục đặt ra trong lĩnh vực này còn phức tạp kinh khủng.

Quy định về cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu.. thể hiện sự tiếc nuối, duy trì cách thức và các công cụ quản lý nhà nước cũ kỹ theo tinh thần siết chặt kinh doanh vận tải của nghị định 86 hơn là cải cách hành chính.

"Ý đồ loại trừ các phương thức kinh doanh theo mô hình uber, grab... được thể hiện rõ qua việc không đưa ra quy định rõ ràng, hợp lý nào về đăng ký hoạt động hay phù hiệu cho loại dịch vụ này", bà Lan nhấn mạnh.

Qua một thời gian hoạt động, lẽ ra nghị định này cần đưa ra khuôn khổ pháp lý cho các loại hình trên hoạt động nhưng lại có ý loại trừ, điều đó là rất bất ổn, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận xét.

Một quy định khiến bà Lan rất bức xúc là ngay tại các quy định mới hoặc sửa đổi, như cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, hợp đồng vận tải... đã xuất hiện hàng loạt các quy định bất cập theo cách cấm đoán, hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp ( kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử...)

Điều này vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do chọn lựa và sử dụng phương thức kinh doanh, nhà dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ.

Cũng khiến bà Lan giật mình là quy định tại điều 12 về điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ôtô: phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Quy định tại điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 không đặt ra điều kiện về sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải đối với các phương tiện, tại sao dự thảo nghi định lại đặt ra điều kiện này? bà Chi Lan đặt câu hỏi.

Theo bà, quy định phương tiện phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật cũng không rõ.

Quy định của pháp luật ở đây là quy định nào, hay Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ra quy định đó sau khi ban hành và dựa trên yêu cầu trong nghị định này?, chuyên gia Phạm Chi Lan băn khoăn.

Với nhận xét thủ tục còn phức tạp kinh khủng, bà Lan dẫn chứng quy định tại dự thảo là đối với xe ôtô chở người từ 8 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh. Rồi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải các thông tin của chuyến đi.

Sao lại có thể vô lý thế được, như ở Hà Nội hay Tp.HCM mỗi ngày nhận hàng ngàn thông báo như thế thì xử lý thế nào, phức tạp kinh khủng, bà Lan bình luận.

Khái quát chung, vị chuyên gia này cho rằng dự thảo mới nặng về quy định quản lý mà it đề cập đến đến những bất cập, trở ngại đối với doanh nghiệp và người dân.

Đồng ý với nhận xét này và nhiều phân tích về các quy định cụ thể từ bà  Lan, Phó viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng, dự thảo phải tính đến phương thức kinh doanh mới, người dân có quyền lựa chọn chỉ kinh doanh một hoặc một số khâu trong cả quá trình.

Uber, grab kinh doanh hoàn toàn khác cách nghĩ truyền thống, trong khi cách thức và công cụ quản lý do nghị định mới tạo ra rất bó buộc, ông Hiếu nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top