"Khi công cụ này tốt lên thì cần coi đó là phương tiện đầu tiên và trực tiếp để đánh giá cán bộ, từ đó, thăng quan tiến chức phải dựa vào đây".
Đó là quan điểm được TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh khi bình luận về sáng kiến tương tác và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân qua mạng xã hội của Quảng Ninh, trong lễ công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) Quảng Ninh 2017, ngày 24/1.
Tỉnh được nhắc nhiều nhất trong báo cáo về Nghị quyết 19
Tại đây, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Đậu Anh Tuấn đã nêu nhiều cái "đầu tiên" của Quảng Ninh.
Đó là: là tỉnh đầu tiên thành lập và vận hành trung tâm hành chính công tập trung trên cả nước, tỉnh đầu tiên có mô hình ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên nghiệp và bài bản, tỉnh đầu tiên tự xây dựng đường cao tốc.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình hợp tác công tư hiệu quả: đầu tư tư – sử dụng công, là tỉnh đầu tiên mà có sân bay quốc tế do tư nhân đầu tư xây dựng.
Quảng Ninh là tỉnh được nhắc nhiều nhất trong báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Đáng chú ý, đây là tỉnh dẫn đầu trong việc xây dựng và công bố chỉ số đánh giá cấp sở, ngành, huyện thị bài bản và chuyên nghiệp. Và là tỉnh đầu tiên khai thác mạng xã hội để tương tác và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân.
Hai lần Quảng Ninh công bố DDCI thì Viện trưởng CIEM đều có mặt, lần này có cái mới là ông thêm "chức" thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
"Tôi đến đây với vai trò, quan sát, bình luận, đánh giá, không ca tụng, nếu có gì hay thì báo cáo Thủ tướng để nhân rộng", ông Cung vào đề.
Sau đó, trong một phát biểu không dài, có tới ba lần Viện trưởng CIEM dùng hai chữ "táo bạo" để nói về sáng kiến khai thác mạng xã hội để tương tác và xử lý phản hồi của doanh nghiệp và người dân.
Trước hàng trăm quan chức và doanh nghiệp, ông Cung kể, khi lần đầu tiên PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - được công bố thì không ai thích, kể cả các nhà lãnh đạo cao cấp nhất cũng không thích.
"Các địa phương phản đối ầm ầm, gọi điện đâu đó trách móc, nói là ai cho các anh cái quyền đánh giá, có vẻ anh Lộc (Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - PV) cũng lung lay. Tôi bảo, cứ làm đi, họ nói kệ họ, sau mấy năm thì PCI được thừa nhận và bây giờ được sử dụng như công cụ để đo lường, đánh giá, thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam", ông Cung dẫn dắt câu chuyện.
Lưu ý tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 àm cho cuộc sống vận động rất nhanh trên mọi phương diện, ông Cung cho rằng khi khai thác mạng xã hội để tương tác giữa chính quyền với dân và doanh nghiệp thì doanh nghiệp và dân được lợi rất nhiều. Nhưng cơ quan Nhà nước lại rất áp lực vì thông tin ập đến hàng giờ, mà cuộc sống đòi hỏi thì anh phải phản ứng.
"Lâu nay hay nghe nói công chức Nhà nước vô cảm trước cuộc sống của dân, thì khi mở ra tương tác này anh không thể vô cảm được, vì anh vô cảm không gắn với thực tế thì dân và doanh nghiệp sẽ đánh giá chính quyền, đánh giá cán bộ".
Ông Cung phân tích và cho rằng qua tương tác với dân người lãnh đạo có thể nhận diện vấn đề và thúc ép công chức không còn vô cảm. Như thế áp lực công việc chắc chắn cao hơn.
"Chính là vì vậy nên tôi dùng chữ táo bạo", ông Cung lý giải.
"Áp lực bên ngoài sẽ tạo động lực nội sinh"
Vẫn nhấn mạnh tác động vào thái độ làm việc, Viện trưởng CIEM bày tỏ hy vọng sự tương tác qua mạng xã hội sẽ nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước. Đồng thời nâng cao mức độ nhạy cảm của cơ quan nhà nước trước những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
"Mở ra một công cụ buộc cơ quan Nhà nước phải thay đổi, bắt anh phải làm việc nhiều hơn, đó là sự táo bạo", ông Cung nhấn mạnh lần thứ ba hai chữ "táo bạo".
Theo Viện trưởng CIEM, khi công cụ này tốt hơn lên thì phải sử dụng như một phương tiện đầu tiên và trực tiếp để đánh giá cán bộ, từ đó thăng quan tiến chức phải dựa vào đây.
"Như thế thì từ áp lực bên ngoài sẽ tạo động lực nội sinh cho mỗi con người, mỗi cơ quan, tạo ra sự bền vững của quá trình phát triển", ông Cung bình luận.
Và theo ông, nếu sử dụng công cụ tương tác để đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ thì sẽ chọn được người thực tài.
Khẳng định khai thác mạng xã hội để tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, dễ làm, ít tốn kém nhưng hiệu quả, ông Cung cho biết sẽ đưa thực tiễn tốt này vào báo cáo quý 1 về thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, sẽ phổ biến để các địa phương khác học hỏi, tạo áp lực cho cơ quan Nhà nước làm việc.
Cũng coi việc lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp qua các kênh trực tuyến và mạng xã hội với sự tham gia thí điểm của 18 sở, ngành và địa phương là một sáng kiến, hai chữ "cầu thị" được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh.
Ông Long nói rằng, sáng kiến này tiếp tục khẳng định quyết tâm của tỉnh trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đa dạng kênh lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế với tinh thần cầu thị.
Post a Comment