Kính gửi GS.TS. Vũ Gia Hiền. Tôi công tác trong quân đội. Năm 2015 tôi phát hiện ra việc vợ mình ngoại tình, người đó cũng là một quân nhân, chúng tôi đều quen biết nhau cả. Vì con, tôi đã tha thứ cho vợ nhưng hiện tại vẫn chưa biết phải xử lý người từng quan hệ với cô ấy thế nào. Trong lòng rất căm hận nhưng sợ làm mạnh tay sẽ vi phạm pháp luật hoặc gây nên thù hằn... Rất mong giáo sư tư vấn cho trường hợp của tôi. Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Mạnh

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào Mạnh,

Câu hỏi của bạn ngắn gọn, rõ ràng, đúng là của người quân nhân luôn chính xác và có chút mệnh lệnh. Bạn hãy hình dung toàn bộ cuộc sống trên đời để thấy sự phức tạp của con người, ở đó luôn là sự thách đố trí tuệ với người hiểu biết, thách đố thể xác với người ít hiểu biết và cuối cùng là thách đố với những ai nô lệ thể xác. Người ta có thể vươn lên từ loại thấp đến cao, như một số người từng nghiện ma túy, đã cai nghiện thành công, bước vào cuộc sống lao động, học tập để có đời sống tốt và trí tuệ am hiểu cuộc đời. Nhưng lại có người có trí tuệ, không giữ được mà bán rẻ cho thể xác vì miếng ăn, xe hơi, hay sự giàu có… để rồi vào tù, thì lúc đó trí tuệ của họ bị nô lệ bởi thể xác và danh dự bản thân. Còn có những người từ hiểu biết nhưng do cảm xúc mạnh quá và trong trường hợp yếu lòng hoặc bốc đồng… thành ra ân hận cả đời. Nhưng cũng có người hiểu biết, tình cảm, làm chủ bản thân tốt nhưng lại rơi vào hoàn cảnh gặp đứa con hư, thương con bị nợ nần, bán nhà trả nợ cho con, cuối cùng cả gia đình khổ sở.

Với bạn, lại là chuyện vợ ngoại tình với người đồng đội quen biết. Bạn nói “chưa biết phải xử lý người quan hệ với vợ mình thế nào” tức là bạn đã tha thứ cho vợ, nếu lại xử lý người kia thì vấn đề không phải chỉ người kia. Người xưa dạy “đánh chuột làm vỡ bình”, người ta thấy con chuột bò vào bình đựng gạo, tức quá dùng cây đập chuột, chuột chạy mất, còn bình thì vỡ. Nếu bạn xử lý theo kiểu đánh chuột sẽ gây ra tai họa vì vi phạm luật pháp, còn nếu làm đơn tố cáo thì chẳng khác nào bêu xấu vợ mình ngoài cổng chợ, nhưng nếu nhịn thì tức. Tôi vẫn thường nói chuyện với sinh viên: ở trên đời có ba thứ không được ăn, đó là: ăn hơn, ăn thua, ăn kém. Ăn hơn sẽ bị người ta ghét, không sống được với đời. Ăn thua thì tức, làm bản thân khổ. Ăn kém thì buồn vì mình cũng không thua kém bạn bè. Ba cái đó không ăn, vậy ăn gì? Đó là cái thứ tư: ăn năn. 

Cuộc đời học và làm được “cái ăn năn” chắc chắn sẽ hạnh phúc, mà nếu giúp ai đó ăn năn thì mình sẽ là người có phúc. Vợ bạn được tha thứ chắc đang ăn năn. Bạn hãy gần gũi vợ hơn và giúp cô ấy vượt qua sự yếu đuối của tình cảm. Người kia bây giờ gặp bạn cũng đủ ngượng lắm rồi, nếu bạn ra tay sẽ “đuổi chó vào đường cùng” thì người bị thiệt là người đuổi vì không cho chó con đường chạy. Bạn chỉ cần thương vợ hơn để cô ấy yêu bạn hơn trước, đó chính là sức mạnh làm cho người kia phải ăn năn và khẳng định bạn là bậc thầy về ứng xử. Còn nếu bạn ra tay thì vô tình đã tự hạ thấp mình ngang với kẻ không đáng nói chuyện. Khi nào tìm được cảm xúc đẳng cấp ứng xử khiến kẻ xấu tự ăn năn, bạn sẽ có câu trả lời cho mình. Chúc bạn có trí tuệ.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top