Tôi 25, còn chồng 33 tuổi. Chồng tôi công việc ổn định, lương cao gấp 2-3 lần tôi. Gia đình tôi thuần nông, gia đình chồng ngoài Hà Nội. Nói vậy không phải nhà chồng tôi giàu có gì, cũng chỉ bình thường, nhưng từ ngày cưới xong, tôi thường xuyên bị gia đình chồng sỉ nhục là làm lương thấp, con nhà nông. 

Vợ chồng tôi có một bé gái, cố gắng tích cóp mua được một căn nhà trả góp và ra ở riêng. Tưởng chuyện đã xuôi ai ngờ gần đây tôi đưa con về nội, bà nội liên tục gây áp lực phía sau như: tôi dụ dỗ con trai bà ra ngoài, rồi bảo con trai bà đi làm nuôi vợ, nuôi gia đình vợ. Xin kể thêm trước đây tôi đã cố gắng sống chung nhưng ngày nào bà nội cũng đòi hỏi đóng góp và bảo tôi là chó ăn nhờ ở đậu nhà bà, lúc đó tôi đang mang bầu, bà liên tục bóng gió không phải là cháu bà. Giờ tôi sinh con ra bà lại bảo “cháu nhà nội nên ông bà cần chăm bẵm” để gây sức ép đòi vợ chồng tôi đem con về sống. 

Bố chồng tôi là người bênh vợ không biết phải trái, vợ nói gì cũng đúng. Còn chồng tôi thì lành và có hiếu không dám cãi bố mẹ. Đỉnh điểm là gần đây không biết nguyên do gì anh ấy liên tục sỉ vả công việc vợ, cho rằng vợ làm lương thấp không đủ nuôi thân, mà tôi làm kế toán, lương 7 triệu. Với tôi vợ chồng vất vả không sao, nhưng khinh thường vợ và gia đình vợ là không thể chấp nhận được. Tôi thấy bị tổn thương và không thể yêu người chồng so đo với vợ thêm chút nào nữa. Giờ tôi rất mệt mỏi không biết có nên ly hôn không? Xin hãy cho tôi lời khuyên.

Huệ

GS.TS Vũ Gia Hiền gợi ý:

Chào bạn Huệ,

Cuộc sống của bạn chưa phải rơi vào hoàn cảnh quá phức tạp như nhiều cô dâu khác. Có những người mẹ chồng do cuộc sống khắc nghiệt từ ấu thơ đã tạo ra tâm lý lo sợ thiếu tiền, lấy tiền làm thước đo nên khó có thể thay đổi. Bạn thử nghĩ xem người lớn tuổi và người ở tuổi 25 như bạn, ai điều chỉnh tâm lý tốt hơn? Bạn hãy trả lời câu hỏi này thật khách quan nhé. Người lớn tuổi bị vết hằn trí nhớ nên rất khó thay đổi thói quen, người ít tuổi do vỏ não chưa có vết hằn sâu nên điều chỉnh tâm lý dễ dàng hơn. Bạn nên nghĩ tới nguyên lý này rồi hãy nhận xét, đánh giá mọi việc. Bạn viết “với tôi vợ chồng vất vả không sao, nhưng khinh thường vợ và gia đình vợ là không thể chấp nhận được”. Bạn khẳng định “không thể chấp nhận được” thì chỉ còn ly hôn, nếu thế lời tư vấn không còn tác dụng. Nhưng bạn đã viết thư gửi đến thì chúng ta cùng bàn về gia đình chồng bạn.

Bạn nói gia đình mình thuần nông, điều đó có gì xấu? Nếu thuần nông không xấu thì ai có nói xấu cả nghìn lần mình vẫn không xấu. Nhưng chính bạn lại cho rằng “con nhà nông”, phải chăng bạn đã xem thường cuộc đời nhà nông, vì thế khi người ta nói sự thật về mình thì bạn lại cho là sỉ nhục. Khi bị nói con nhà nông, bạn chỉ cần nhẹ nhàng đáp “vâng, con sinh ra lớn lên bố mẹ làm nông cả nhưng cũng có nhiều cái hay lắm mẹ ạ” và vui vẻ, tự nhiên người kia cũng ngại hoặc chẳng có tác dụng thì họ cũng chán. Người chê người khác thường muốn chứng tỏ họ hơn, nếu mục đích của họ không thành vì người bị chê vui vẻ thừa nhận, thì người chê cũng không còn cửa.

Bây giờ bạn ra ở riêng và đưa con đi khiến bà nội nhớ thì việc chê nhà nông được thay bằng dụ dỗ con trai bà. Bạn hãy sắp xếp thời gian cho con về thăm, ở lại với bà nội một tuần mấy tối để bà vui với cháu. Lâu nay bà cháu sống chung vui vẻ, bỗng nhiên bị tách ra sẽ hụt hẫng vô cùng. Đây là cái khổ của mẹ chồng mà bạn không hiểu. Bà bảo “cháu nhà nội nên ông bà cần chăm bẵm” là đúng tâm lý, nhưng bà có phần gia trưởng. Bạn cứ sắp xếp cho con về chơi với ông bà một cách phù hợp và thể hiện tình cảm với mẹ chồng, bạn sẽ được lợi mọi đường.

Bố chồng nghĩ theo cách của ông nhưng bạn lại kết luận “ông là người bênh vợ”, mà chồng không bênh vợ thì bênh ai. Chồng bạn hiền lành nhưng bạn không được mọi người thương nên anh ấy cũng ở giữa “các làn đạn”. Khi mua nhà trả góp ra ở riêng, vì áp lực trả tiền nhà căng quá lại phải lo nhiều việc khác dẫn đến thiếu hụt tiền so với lúc ở cùng cha mẹ, vì thế khi gặp khó khăn mà không phải người năng động thì dễ đổ vấy, việc chê vợ lương thấp cũng sinh ra từ đây.

Còn bạn cảm thấy mình bị sỉ nhục trước những lời chê và tự ái ngày càng cao, cách nghĩ đơn giản nhất mà chẳng cần phải tính toán là ly hôn. Ly hôn rất dễ, giữ được gia đình hạnh phúc mới khó. Nếu thấy đủ tự tin, tài năng thì chọn cái khó, còn ngược lại thì chọn cái dễ.

Chúc bạn sáng suốt.

Muốn được GS.TS Vũ Gia Hiền tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top