Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị giải pháp ứng phó với những thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là đối với những tác động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trao đổi với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực phía Nam chiều ngày 13/7 tại Tp.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin về những điểm mới trong chính sách ưu đãi vào nông nghiệp vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sẽ được nhận ưu đãi và hỗ trợ trong thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.
Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 44.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các doanh nghiệp này đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng đất, tạo việc làm, chuyển đổi mô hình sản xuất gắn liền với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, với đặc thù là ngành chịu nhiều tác động từ yếu tố thời tiết, tỷ lệ lãi không lớn so với các ngành khác, kỹ thuật canh tác chưa được đầu tư đúng mức, nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về nông nghiệp sạch còn hạn chế… nên các doanh nghiệp hoạt động trong nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn và thiếu các giải pháp phát triển bền vững.
Nêu đề xuất với Bộ trưởng, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, muốn phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững cần phải đi theo hai hướng.
Thứ nhất là quy hoạch và phát triển những vùng thực phẩm an toàn (vẫn dùng phân, thuốc nhưng nhất định phải theo ngưỡng cho phép). Thứ hai là phát triển vùng nông nghiệp hoàn toàn theo hướng hữu cơ.
Theo bà Minh, đất sản xuất ở nhiều vùng hiện nay đang bị hư hại về thuốc trừ cỏ và phân hóa học. Chính vì thế cần định hướng và có chính sách để phát triển ngay một nền sản xuất hữu cơ.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex lại cho rằng, nông nghiệp của Việt Nam vẫn dang tăng trưởng tốt ở mức 14-15%/năm, tuy nhiên ngành này đang đối mặt với nguy cơ tụt dốc nếu không có giải pháp quản lý chất lượng sản phẩm triệt để và hiệu quả.
Vị này chia sẻ: "Thị trường có 4 ngàn công ty bán khoảng 8 ngàn loại thuốc khác nhau. Nông dân sợ cây trồng có sâu bệnh nên cứ thấy thị trường bán thuốc gì bảo tốt là mua dùng. Vấn đề chúng ta phải quản lý được các công ty bán thuốc trừ sâu và chất lượng thuốc".
Cũng tại buổi toạ đàm, nhiều doanh nghiệp kiến nghị để doanh nghiệp yên tâm phát triển và đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, cần phải có định hướng rất rõ ràng thị trường nào sản xuất vật nuôi cây trồng gì; phải phân tích để thực sự phát triển được thế mạnh từng vùng chứ hiện đang làm hết sức dàn trải; ngoài việc sản xuất theo đúng tiêu chuẩn an toàn và sạch hoàn toàn hữu cơ (cho phân khúc tiêu dùng cao) thì hệ thống phân phối cung cầu cũng là yếu tố quyết định của việc các mô hình sản xuất có tồn tại phát triển hay không…
Trước những phản hồi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp đặc biệt là những vấn đề liên quan tới đất đai, nguồn nhân lực, chính sách hỗ trợ đầu tư, chính sách ưu đãi... sẽ được ghi nhận và sẽ được Chính phủ tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, trước mắt là tại Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" sắp diễn ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động mạnh tới ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý các doanh nghiệp cần chủ động có giải pháp chuẩn bị để ứng phó với tác động này.
Đây là buổi tọa đàm thứ 2 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong chuỗi các công tác chuẩn bị của Bộ trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức Hội nghị "Giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" sắp diễn ra tại miền Trung. Buổi toạ đàm trước đó đã diễn ra tại Hà Nội ngày 15/5.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị quan trọng này và sẽ có buổi đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn về những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, cũng như lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Post a Comment