Bill Ottman

Ông Bill Ottman, CEO của Minds.com

Cuộc “di cư” của giới blogger Việt từ Facebook qua Minds.com đã bùng nổ nhiều tranh cãi giữa những lời khen cũng như nghi vấn và soi sét kỹ lưỡng về phương tiện truyền thông xã hội tự quảng cáo là ”ủng hộ tự do phát biểu”, và “bảo vệ quyền riêng tư” của người dùng này.

BBC thực hiện một loạt phỏng vấn với Bill Ottman, CEO của Minds.com trong các ngày 30/6, 1/7 và 2/7 để tìm hiểu thêm về trang mạng xã hội hiện đang gây sôi nổi.

Giới đấu tranh Việt Nam lo ngại Facebook ‘thỏa hiệp’

VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng

Việt Nam: Mở đầu của các phong trào xã hội qua mạng

Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ

BBC: Chào ông Bill Ottman. Xin hỏi là ông có để ý thấy là trong những ngày qua Minds có thêm nhiều tài khoản của người dùng tại Việt Nam?

Bill Ottman: Vâng, chúng tôi có thấy hàng loạt tài khoản mới được mở. Chỉ riêng trong vài ngày qua Minds đã có thêm hàng chục ngàn người dùng mới đến từ Việt Nam.

BBC: Ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

Bill Ottman: Theo tôi hiểu thì một số người dùng Việt Nam đang đi tìm một trang mạng xã hội an toàn hơn. Họ lo rằng với luật an ninh mạng vừa mới được thông qua, các công ty như Facebook, Google sẽ bị buộc phải lấy những posts bị cho là chống đối chính quyền xuống, đóng tài khoản của họ, và thậm chí sẽ nộp những thông tin cá nhân của họ cho cơ quan an ninh khi được yêu cầu, mà không cần có án lệnh của toà. Một số sự kiện xẩy ra gần đây cho thấy dù luật chưa có hiệu lực, nhưng, theo một số Facebookers, việc nội dung họ post trên FB bị lấy xuống đã đang xẩy ra.

Thật ra thì ngay sau khi luật [an ninh mạng] được thông qua chúng tôi đã thấy lác đác có người từ Việt Nam vào Minds tạo tài khoản. Nhưng chỉ trong mấy ngày qua mới có hiện tượng ồ ạt này. Chúng tôi tất nhiên rất vui, nhưng không ngạc nhiên. Vào tháng 5/2016, Minds cũng đã có một loạt người dùng từ Thái Lan vào mở tài khoản vì lý do tương tự.

BBC: Minds bắt đầu có những nỗ lực thu hút người dùng Việt Nam từ lúc nào thưa ông?

Bill Ottman: Thật ra chúng tôi chưa bắt đầu chiến dịch này, là vì công việc dịch Minds qua tiếng Việt chưa xong. Nhưng mới đây nhờ tiếp tay của cộng đồng người dùng Việt Nam tôi nghĩ cũng sắp xong rồi.

BBC: Xin ông cho biết vài nét khái quát về chủ trương và chính sách của hệ thống mạng xã hội Minds.com?

Bill Ottman: Minds có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Minds mở cửa cho tất cả mọi nội dung, miễn là những nội dung đó hợp pháp theo luật Hoa Kỳ, vì chúng tôi là một công ty hoạt động ở Mỹ.

Về việc bảo vệ quyền riêng tư, ứng dụng messenger của chúng tôi hoàn toàn được mã hoá, và ngay chính Minds cũng không có nội dung những câu chuyện của người dùng. Chúng tôi cố ý thiết kế Minds cách này để Minds hay bất cứ ai cũng không thể theo dõi người dùng, và đương nhiên Minds không thể đưa nộp những thông tin mà họ không có cho bất cứ chính quyền nào.

Other

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, nhà báo Đoàn Bảo Châu… đã hiện diện trên Minds

BBC:Thế còn nền tảng kỹ thuật của Minds thì sao?

Bill Ottman: Về mặt kỹ thuật, hệ thống của chúng tôi hoàn toàn được viết bằng phần mềm nguồn mở, tất cả phần mềm được công bố và bất cứ ai cũng có thể xem xét, kiểm tra, thậm chí sử dụng để tạo thành app cho riêng mình. Chúng tôi hết sức quan tâm đến sự minh bạch.

Giới công nghệ muốn kiểm soát code của Minds có thể vào GitHub.com/Minds để xem.

BBC:Ông có thể nói về vài sự khác biệt then chốt giữa Minds và Facebook?

Bill Ottman: Facebook dùng thuật toán (algorithm) để quản lý, và giới hạn việc posts được xuất hiện. Khi bạn post trên Facebook, giả sử bạn có 10,000 người theo, (followers), thì chỉ khoảng 3 đến 5% những người này xem được những gì bạn post, sau đó thuật toán của Facebook sẽ quyết định làm gì tiếp với những posts này, có cho nhiều người nữa xem hay không. Với Minds trái lại những người đăng ký theo dõi tài khoản của bạn (subscribers) sẽ xem được 100% các posts của bạn, và nếu bạn dùng tokens để quảng bá thì nhiều người không phải là subscribers cũng xem được.

Thuật toán của Facebook với chúng tôi là một hình thức của kiểm duyệt, điều mà Minds không tán thành.

Other

Một người dùng Minds cho biết lý do “chuyển nhà” là để phản đối luật An ninh mạng

BBC:Còn về mô hình kinh doanh thì Minds khác với Facebook ra sao?

Bill Ottman: Chúng tôi đã học được rằng một mô hình kinh doanh chánh niệm, có lý tưởng phụng sự, đồng thời cũng có thể là một mô hình sinh lời. Hy vọng rằng cộng đồng người dùng của Minds muốn Minds được bền vững về tài chính, vì điều này cho phép chúng tôi mở rộng và phát triển.

Minds chủ trương phải đền bù cho tâm trí và thời gian của người dùng. Chúng tôi đang sắp tung ra tiền Crypto, được gọi là Minds Token, xây dựng bằng giao thức Ethereum. Chúng tôi thưởng người dùng bằng cách trả cho họ những Tokens này để cám ơn họ đóng góp nội dung cho mạng lưới. Vì thế, một người dùng sau khi mở tài khoản, bỏ lên nhiều bài vở, được nhiều người thích, chuyển đi, hay mời được nhiều người dùng khác, sẽ kiếm được Minds Token. Crypto hiện đang chạy trên Testnet, và sẽ được chạy trên mạng lưới chính thức của Ethereum vào mùa Hè năm này, lúc đó chúng tôi sẽ bán Tokens trên thị trường. Điều này rất quan trọng vì người dùng có thể dùng những tokens này để quảng cáo cho posts của mình được nhiều người xem hơn.

Crypto là một cách vừa trả công cho người dùng, vừa giúp Minds có lợi nhuận để phát triển. Nhưng điều này không xung đột với giá trị của chúng tôi. Chúng tôi không theo dõi người dùng, hoặc khai thác dữ liệu của họ, về họ, và bán thông tin cá nhân của họ để kiếm lời, trong khi không hề chia sẻ tí lợi nhuận nào với họ như Facebook và Google. Chúng tôi hiểu rằng tự do Internet không thể bị xâm phạm, nếu không chúng tôi sẽ mất ngay lòng tin của mọi người.

Chính sách phần mềm nguồn mở và minh bạch của chúng tôi giúp cộng đồng có thể tự quản lý và luôn luôn bắt chúng tôi chịu trách nhiệm với sự đánh giá và phản hồi thường xuyên của các đồng nghiệp rành công nghệ trong cộng đồng.

BBC: Xin ông cho biết sơ về tiến trình thành lập Minds.com, động lực của nhóm chủ trương, và nguồn tài trợ cho Minds?

Bill Ottman: Vâng, chúng tôi vẫn luôn biết là có những vấn đề lớn với các trang mạng xã hội khổng lồ. Các công ty này theo dõi mọi sinh hoạt của người dùng, không có sự minh bạch, hoạt động không dân chủ, không có sự tham gia của cộng đồng trong những quyết định của công ty.

Minds được tài trợ bởi chính cộng đồng mà nó phục vụ. Năm ngoái, chúng tôi gọi vốn bằng cách chia cổ phần và đã nhận hơn một triệu đôla tiền đầu tư góp vốn từ 1500 thành viên. Như vậy cộng đồng mà Minds phục vụ làm chủ một phần của công ty qua việc có cổ phần trong công ty. Điều này rất quan trọng, vì các chủ nhân này sẽ luôn phục vụ người dùng thay vì phục vụ lợi nhuận của một nhóm nhỏ.

Minds

Trong danh sách cố vấn của Minds có tên cựu tổng biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn

BBC:Trở lại với việc dùng thuật toán (algorithm), nhiều người e ngại rằng hiện giờ thì Minds cho tất cả mọi post xuất hiện, nhưng sau này đông người dùng quá thì chắc Minds cũng sẽ phải dùng một algorithm nào đó để giới hạn, nếu không thì chỉ trong tích tắc post của họ sẽ chìm trong một biển những posts khác. Ông nghĩ sao?

Bill Ottman: Suy nghĩ này không đúng. Việc một hệ thống có nhiều users không có nghĩa là post sẽ bị chìm ngập đi. Tweeter chẳng hạn cho post xuất hiện theo thứ tự thời gian. Newsfeed của chúng tôi cũng thế, theo thứ tự thời gian. Tweeter đang bắt đầu sử dụng algorithm, đây không phải là điều tốt, Instagrams cũng vừa bắt đầu xử dụng algorithym, đây cũng không phải là điều tốt.

Như tôi đã nói, chúng tôi cho rằng sử dụng algorithm để cho hay không cho posts xuất hiện cũng là một hình thức kiểm duyệt. Quan niệm của Minds là người dùng phải có quyền quyết định họ muốn theo đọc hay xem posts của ai. Và nếu họ nghĩ có người gửi ra quá nhiều posts, hay posts không hay, thì chỉ việc unsubscribe những tài khoản đó là xong. Chúng tôi nghĩ rằng người sử dụng thông minh đủ chọn muốn xem loại posts gì, của ai. Đa số người dùng trên thế giới đều ghét algorithm. Chúng ta có thể có cả tỉ người dùng, nhưng người đọc có toàn quyền chọn chỉ hai mươi người để subscribe thôi chẳng hạn.

BBC:Ông có đoan chắc điều này không, đến một lúc nào đó Minds cũng sẽ phải nghĩ đến việc dùng algorithm, như dùng cho quảng cáo chẳng hạn?

Bill Ottman: Tôi không nghĩ rằng algorithm tự nó có bản chất xấu. Chúng tôi sẽ không bao giờ ép mọi người phải dùng algorithm mà Minds đưa ra. Cho nên, nếu cho đến lúc nào đó chúng tôi đưa ra những đề nghị nào đó, cộng đồng người dùng sẽ được lựa chọn muốn theo những đề nghị đó hay không.

BBC:Nhiều công ty khác thoạt đầu cũng có những lý tưởng rất cao đẹp, nhưng theo thời gian, vì đủ mọi thứ áp lực như cạnh tranh, lợi nhuận, chính sách có thể thay đổi. Với những người lo rằng Minds rồi cũng đi theo tiến trình này, ông nói gì với họ?

Bill Ottman: Như tôi đã giải thích, Minds được tài trợ bởi chính cộng đồng mà nó phục vụ. Hiện giờ Minds có hàng ngàn người dùng đầu tư vào công ty và là chủ nhân một phần của công ty. Chính tiếng nói của cộng đồng góp vốn và sự kiểm soát của giới công nghệ trong cộng đồng bằng cách vào xem phần mềm nguồn mở sẽ giúp Minds đi đúng con đường đã chọn.

BBC: Ông có thể nói rõ thêm về việc bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng không? Đây là một trong những quan tâm lớn của người dùng ở Việt Nam.

Bill Ottman: Chúng tôi không bắt người dùng phải nêu rõ danh tánh. Họ có thể mở một tài khoản vô danh (anonymous). Chính sách của Facebook không cho phép bạn mở một tài khoản mà không khai rõ danh tánh. Chúng tôi hoàn toàn ok với việc không khai rõ tên tuổi. Chúng tôi cũng không hỏi về thông tin cá nhân của người mở tài khoản. Họ có thể cho chúng tôi email thật nếu họ muốn, nhưng họ không bắt buộc phải làm thế. Về những gì người dùng thảo luận với nhau trên hệ thống Minds tất cả đều được mã hoá. Chúng tôi không có những thông tin này thành ra không thể theo dõi người dùng, hay biến thành công ty theo dõi người dùng dùm cho các chính quyền. Cả email của người dùng cũng được chúng tôi mã hoá.

BBC:Thế còn việc đóng các tài khoản vì có người than phiền thì sao thưa ông?

Bill Ottman: Như đã nói, chúng tôi chỉ đóng cửa những tài khỏan nào vi phạm luật Hoa Kỳ vì chúng tôi là công ty Mỹ. Người dùng chắc chắn có thể yên tâm là chúng tôi sẽ không đóng cửa tài khỏan chỉ vì có người khai báo hay công an cảnh sát bảo chúng tôi phải đóng những tài khỏan đó.

BBC: Nhưng policy của Minds, trong phần “General Representation and Warranty” ghi rằng “You represent and warrant that (i) your use of our Services will be in strict accordance with this Agreement, and with all applicable laws and regulations (including without limitation any local laws or regulations in your country, state, city, or other governmental area, regarding online conduct and acceptable content…” Như vậy chẳng phải là nếu nội dung của tài khoản vi phạm luật an ninh mạng của Việt Nam thì sẽ vi phạm chính sách của Minds, và bị bỏ xuống hay tài khoản bị đóng hay sao?

Bill Ottman: Policy của chúng tôi được các luật sư soạn sẵn từ lâu, theo đúng những khuôn mẫu sẵn có. Nhưng giờ đây đã hiểu rõ quan tâm và e ngại của cộng đồng người dùng Việt Nam, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến với ban pháp lý của Minds về những hoàn cảnh đặc biệt như bộ luật an ninh khủng khiếp này của Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh là Minds ủng hộ tự do phát biểu, và sẽ thảo luận việc thêm vào policy một khoản đặc biệt dành cho người dùng Việt Nam để mọi người được an tâm. Minds hoàn toàn được xây dựng xung quanh căn bản ủng hộ tự do ngôn luận và chống kiểm duyệt. Nếu mọi người có một đề xuất cụ thể nào để sửa đổi khỏan này, hãy cho chúng tôi biết. Minds muốn phát triển các chính sách theo sự đồng thuận của cộng đồng.

BBC:Ông có thể nói sơ qua về nhân sự nòng cốt của Minds?

Bill Ottman: Vâng, tôi là tổng giám đốc (CEO); Mark Harding là giám đốc công nghệ (CTO); cha tôi, John Ottman là chủ tịch hội đồng quản trị (Chairman of the Board). Mark là một lập trình viên có tài là một nhạc sĩ đến từ Anh quốc. John là một doanh gia trong lãnh vực phần mềm và an ninh mạng.

BBC:Whitepaper của Minds có tên ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu tổng biên tập của báo điện tử VietNamNet trong ban cố vấn. Dư luận e ngại rằng có cố vấn là một cựu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, thì Minds không thể nào ủng hộ tự do báo chí được. Xin nghe phản hồi của ông?

Bill Ottman: Ông Tuấn chỉ là một trong những cố vấn của Minds. Ông ấy không nằm trong hội đồng quản trị, không có quyền bỏ phiếu trong những quyết định chính sách của Minds.

Ông Tuấn là người đầu tiên mang internet vào Việt Nam năm 1995, ông chính là người đã thuyết phục chính quyền Việt Nam cho internet du nhập vào Việt Nam. Ông ấy ủng hộ tự do internet và mạng xã hội, nhất là trong khoảng thời gian năm 2007. Tại Hoa Kỳ, ông Tuấn kịch liệt phản đối luật an ninh mạng Việt Nam vừa thông qua, mong mỏi tự do phát biểu cho người dân, và sự minh bạch của chính quyền Việt Nam.

BBC: Ông có thể cho biết đã gặp ông Nguyễn Anh Tuấn trong trường hợp nào, và ông Tuấn cố vấn Minds về những vấn đề gì không?

Bill Ottman: Ông Tuấn thuộc thành phần think tank cố vấn cho Minds về đạo đức trong thông minh nhân tạo. Tôi muốn nhấn mạnh là ông Tuấn không có suy nghĩ, tư duy của một người cộng sản, nếu không chúng tôi đã không làm việc với ông ta. Tôi nghĩ điều quan trọng là mọi người cần hiểu sự kiện nhiều sắc thái này. Việc ông Tuấn quen biết nhiều người cộng sản không có nghĩa là ông ta ủng hộ những điều họ làm. Chẳng phải ông đã thôi việc với VietnamNet? Chúng ta cần những người như ông Tuấn để giúp Việt Nam phát triển chính sách của mình.

Tôi quen ông Tuấn từ khi ông ấy mời tôi đến dự Boston Global Forum trong khoảng thời gian 2015 – 2016. Ông Tuấn hiện đang sống ở Boston, và là người điều hành Boston Global Forum với cựu Thống đốc Michael Dukakis.

BBC:Whitepaper của Minds cũng viết rằng nhóm hackers Anonymous ủng hộ Minds, nhưng một số thành viên của Anonymous lại lên tiếng là Anonymous không hề ủng hộ Minds. Việc này ra sao?

Bill Ottman: Anonymous không phải là một nhóm trung ương tập quyền. Tự bản chất của họ, Anonymous là một nhóm có lãnh đạo tản quyền. Cứ việc tìm từ khóa anonymous trên Minds, bạn sẽ thấy một loạt Anonymous tài khoản ủng hộ chúng tôi.

BBC:Tính cho đến 10 giờ sáng 2/7 giờ địa phương, đã có bao nhiêu tài khoản được mở từ Việt Nam, thưa ông?

Bill Ottman: Cho đến giờ này, chúng tôi ghi nhận đã có khoảng 100.000 tài khoản được mở từ Việt Nam. Đa số xảy ra trong vòng mấy ngày qua.

BBC:Nhiều người muốn mở tài khỏan với Minds nhưng vẫn muốn giữ tài khoản FB để dùng song song. Theo ông hai hệ thống Minds và Facebook có thể sống chung hòa bình không?

Bill Ottman: Vâng, dùng cả hai đương nhiên là được. Người dùng có thể post bài từ Minds rồi post từ đó lên Facebook hay Tweeter một cách dễ dàng. Chúng tôi khuyến khích người dùng có tài khoản ở cả hai nơi và nói cho cộng đồng biết là nếu họ muốn bảo vệ quyền riêng tư thì qua đây dùng thử. Họ cũng sẽ được thưởng cho nỗ lực của mình. Tôi nghĩ vấn đề lớn với các trang mạng xã hội khác như Facebook là họ khai thác giá trị từ người dùng, bán những thông tin của họ và không chia cho họ cái gì cả. Đó là lý do tại sao chúng tôi phát triển hệ thống tiền Crypto. Chúng tôi tin là người dùng đáng được đền bù cho nỗ lực họ bỏ ra.

Có thể sau này khi có nhiều tài khoản Việt Nam rồi thì Minds cũng bị blocked. Đương nhiên lúc đó người ta có thể dùng VPN để vào được Minds. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng các chính quyền sẽ bắt đầu hiểu ra rằng kiểm duyệt không phải là một giải pháp hữu hiệu. Tôi mong là sẽ vẫn có những cuộc đối thoại để chính quyền Việt Nam rút lại những điều khoản không hợp lý trong luật an ninh mạng, bởi vì người Việt Nam rất thông minh và họ sẽ không ngồi yên chấp nhận để cho mình bị theo dõi hay bị bóp nghẹt tự do ngôn luận. Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ mất đi đầu tư của nhiều công ty, sẽ khiến người dân ngày càng xa lánh chính quyền. Hy vọng là chúng ta có thể thuyết phục họ thay đổi.

Về phần Minds, tôi nghĩ rằng người dùng sẽ còn rất nhiều câu hỏi. Tất cả các thành viên trong đội ngũ của Minds sẵn sàng công khai trả lời mọi thắc mắc, thậm chí cả chất vấn của mọi người. Khuôn khổ làm việc minh bạch là như thế.

Để phục vụ độc giả, BBC Việt Ngữ đã mời ông Bill Ottman tham dự chương trình Bàn Tròn Thứ Năm ngày 5/7 tới đây, lúc 8 giờ tối giờ Việt Nam. Mời quý vị theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp với ông.

BBC

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top